Bất an cầu tạm mùa lũ

Tây Nguyên có hàng trăm cây cầu treo, cầu tạm bằng gỗ, tre, sắt đã xuống cấp, mục nát mà hằng ngày người dân vẫn phải nín thở đi qua.

1469413196-4591-1469410014-2040-1-234593

Mặt cầu bị mất nhiều tấm gỗ.

Có cầu nhưng không có đường

Từ khi cầu treo tại thôn 2, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, Đắk Lắk hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáng lẽ người dân phải rất vui mừng vì không còn phải đu dây hay chèo thuyền qua sông nguy hiểm như trước, nhưng họ lại tiếp tục đối mặt nghịch cảnh có cầu mà không có đường đi.

Trước mắt chúng tôi là chiếc cầu treo dân sinh bắc qua sông Krông Ana nối liền thôn 2 xã Hòa Lễ với xã Cư Kty. Bên kia mố cầu kiên cố vững chắc, là những sợi dây thép gai giăng kín. Ông Nguyễn Huệ (thôn 6, xã Hòa Lễ) nhà có 8 sào bắp ở khu vực xã Cư Kty và cách cầu thôn 2 gần 1km, cho biết: “Mỗi lần lên rẫy canh tác, chúng tôi phải bỏ xe máy ngay chân cầu rồi đi bộ. Giờ đang mùa nước lũ nguy hiểm, mà việc vận chuyển giống, phân bón…lên rẫy vẫn phải dùng thuyền qua sông vì không còn cách nào khác”.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ xác nhận một bên cầu thôn 2 hiện chưa có đường đi. Người dân phản ánh việc chặn cầu là đúng. Diện tích đất liền kề cầu là của ông Nguyễn Đức Việt (thôn 2, xã Hòa Lễ), thuộc địa giới hành chính xã Cư Kty, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Sau khi nắm được sự việc, chúng tôi đã mời gia đình ông Việt và các hộ dân lên làm việc. Do ông Việt đang ra Bắc nên sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với các bên và UBND xã Cư Kty nhằm đo đạc lại diện tích cần thu hồi để làm đường kết nối với cầu. Chúng tôi sẽ kiến nghị cấp trên sớm giải quyết để người dân có đường đi lại”.

Nín thở qua cầu

Đến thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, hai bên bờ sông là hai mố cầu đứng sừng sững mấy năm nay. Bắc qua dòng sông Krông Ana, chiếc cầu gỗ dài 120 m đã mục nát, mặt cầu nghiêng về một bên, những tấm ván lát mặt cầu rơi ra, để lộ những lỗ hổng dài 20-30 cm. Thôn Noh Prông có 371 hộ, 2.121 khẩu, chủ yếu đồng bào Mông di cư ngoài kế hoạch, trẻ em trong độ tuổi đi học chiếm 1/3. Năm 2011, thôn Noh Prông được đầu tư kinh phí xây dựng cây cầu dân sinh bắc qua sông Krông Ana theo dự án quy hoạch bố trí dân di cư tự do. Sau 5 năm khởi công, đến nay cầu chỉ mới hoàn thành được 2 mố cầu và bờ kè.

Cách trung tâm huyện Ea Kar chừng 15 km, đến thôn Trung Hòa, xã Xuân Phú có một cây cầu tre tạm bợ vắt qua sông Krông Năng. Cầu có chiều dài 35 m, rộng khoảng 1,2m, 2 bên mố cầu được néo vào thân cây, dây cáp bằng sắt đã bị hoen gỉ, các thanh tre nứa lát mặt cầu thưa thớt chỗ có chỗ không. Cây cầu được làm cách đây 30 năm, do dân chúng tự góp tiền và ngày công dựng lên cho học sinh và người dân xã Xuân Phú và xã Ea Đar đi lại. Ông Y Chac Mlô, thị trấn Ea Kar than: “Gia đình tôi có 2 ha cà phê, tiêu ở phía bên kia sông Krông Năng thuộc xã Xuân Phú, vì phải mưu sinh nên liều mạng qua cầu. Sợ nhất là lúc gió to, thổi mạnh tưởng chừng người sắp bị hất văng xuống sông. Nhiều người ở thị trấn có việc qua xã Ea Đar, đi một lần không dám đi lại lần thứ hai.

Cây cầu sắt bắc qua sông Krông Năng nối thôn 7 với thôn Hàm Long, xã Phú Xuân, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) là phương tiện đi lại cho 3.000 hộ dân. Cầu trọng tải 10 tấn. Ngày 1/4/2016 một chiếc xe tải chở khoảng 30 tấn cát chạy qua, làm cầu sập, khiến em Võ Thị Huy Thi 13 tuổi đi học ngang qua rơi xuống sông, gãy 3 đốt xương và chấn thương phần mềm ở lưng. Người dân và chính quyền đã dựng cây cầu tạm để người dân đi lại nhưng đến ngày 21/6, sau một cơn mưa lớn, nước sông Krông Năng dâng cao đã cuốn phăng lớp đất 2 đầu cầu.

Ông Tô Quang Dịnh, Phó phòng Quản lý giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết, phần lớn cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk làm bằng gỗ, tre, cáp treo, do người dân tự xây dựng, thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng, nên đã xuống cấp, tập trung nhiều ở các huyện Krông Bông, Buôn Đôn, Lắk… Để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, hàng năm tỉnh Đắk Lắk đều lập đoàn khảo sát hiện trạng cầu dân sinh trên địa bàn, triển khai các biện pháp cảnh báo, khắc phục. Đắk Lắk đang sửa chữa, xây cầu mới thay cho 11 chiếc cầu hỏng nặng, trong đó có cầu Hàm Long ở xã Phú Xuân, huyện Ea Kar.

Nguồn Tienphong.vn