Bệnh viện Cư M’grar bị tố tắc trách vì trẻ vừa chào đời đã gãy xương

Mặc dù được xác định là ca đẻ khó nhưng các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’gar (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) vẫn để sản phụ Lê Thị Thanh Nhàn (SN 1994, ngụ xã Ea, huyện cư M’Gar) sinh thường.

Hậu quả, con chị Nhàn vừa sinh đã phải chuyển lên tuyến trên cấp cứu vì rơi vào tình trạng tím tái cơ thể.

Vừa sinh đã bị gãy xương đòn

Theo đơn khiếu nại của anh Nguyễn Xuân Bửu (SN 1996, chồng chị Nhàn) gửi báo Câu chuyện Pháp luật: Chiều 16/12/2017, vợ anh cảm thấy đau bụng, có dấu hiệu chuyển dạ nên gia đình đưa chị Nhàn tới Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’gar để thăm khám.

dak-lak-benh-vien-cu-mgrar-bi-to-tac-trach-vi-tre-vua-chao-doi-da-gay-xuong

Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar.

Tại đây, các bác sĩ đã yêu cầu chị Nhàn nhập viện để tiện cho việc theo dõi. Đến sáng 18/12/2017, chị Nhàn bắt đầu chuyển dạ và được đưa vào phòng chờ sinh. Khoảng hơn 10 giờ cùng ngày, chị Nhàn sinh hạ được một bé trai, nặng 3kg.

Nhưng chưa đầy hai tiếng sau, các bác sĩ đã gọi người nhà vào gặp và có yêu cầu đưa cháu bé lên bệnh viện tuyến trên để cấp cứu. Quá bàng hoàng trước yêu cầu trên nhưng vì tính mạng con quan trọng hơn hết nên anh Bửu đã làm đơn xin chuyển con lên Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và được các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar chấp thuận.

Trong quá trình cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh các bác sĩ đã kết luận cháu bé bị suy hô hấp nặng. Cháu bé tiếp tục được các bác sĩ đưa đi chụp X-quang và siêu âm, đến 15h cùng ngày, các bác sĩ có thêm kết luận: Cháu bé bị gãy xương đòn và gãy xương sườn.

Trong giấy ra viện vào ngày 28/12/2017 của cháu tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cũng thể hiện rõ tình trạng của con chị Nhàn với chuẩn đoán cháu bé bị suy hô hấp/chậm hấp thu dịch phế nang, khiễm khuẩn sơ sinh, gãy 1/3 giữa xương đòn phải.

Quá bức xúc vì sự tắc trách của các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar khiến con trai mình rơi vào tình trạng nguy hiểm nên anh Bửu đã làm đơn khiếu nại gửi tới nhiều cơ quan, trong đó có Sở Y tế Đắk Lắk, với mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân con mình bị gãy xương đòn và xương sườn ngay vừa khi sinh ra.

Chưa xác định rõ nguyên nhân

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện huyện Cư M’gar. Tại bệnh viện, ông Châu Đương – Giám đốc bệnh viện xác nhận: Vào khoảng giữa tháng 12/2017, bệnh viện có tiếp nhận trường hợp sản phụ tên Lê Thị Thanh Nhàn.

Ông Đương cho biết: “Khoảng 30 phút sau khi cháu bé chào đời, cơ thể cháu có dấu hiệu tím tái và thở rên, các y bác sĩ nghĩ rằng cháu bé hít phải nước ối nên đã yêu cầu gia đình chuyển bé lên tuyến trên để cấp cứu.

Theo nguyện vọng, bệnh viện đã chuyển cháu lên Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. Tôi nắm bắt được, qua quá trình thăm khám, kiểm tra, các bác sĩ đã chuẩn đoán cháu bé bị suy hô hấp và gãy xương đòn, nhưng vẫn chưa xác định chính xác được vì sao cháu bé lại bị như vậy”.

Bên cạnh đó, ông Đương thông tin rằng, do khung xương chậu của chị Nhàn hẹp nên có thể lúc rặn đẻ đã xảy ra tai nạn không mong muốn. Được biết, đến thời gian sinh, thai nhi đã được 37 tuần tuổi, sức khỏe của sản phụ Nhàn hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh.

“Sau khi tiếp nhận đầy đủ thông tin, ban lãnh đạo đã chỉ đạo cho khoa họp kiểm điểm, ê kíp trực ngày hôm đó cũng đã nhận lỗi, có sơ sót trong quá trình đỡ đẻ. Phía bệnh viện đã phê bình, kỷ luật cắt thi đua khen thưởng trong quý IV, năm 2017 của các thành viên trong ê kíp trực. Đồng thời đã cử người đến thăm hỏi, động viên gia đình bệnh nhân”, ông Đương giãi bày.

Được biết, ê kíp trực ngày chị Nhàn sinh gồm có 2 bác sĩ và 2 nữ hộ sinh. Cụ thể, bác sĩ Bùi Thị Phương Thảo, công tác tại bệnh viện từ năm 2011, đã tốt nghiệp đại học chính quy, sau thời gian ngắn công tác tại bệnh viện, đã được cử đi học chuyên khoa sơ bộ ở Hà Nội. Bác sĩ Võ Thị Một, nguyên trước đây là y sĩ sản nhi tại bệnh viện từ năm 1993.

Đến năm 2010, được cử đi học chuyên tu bác sĩ tại Đại học Tây Nguyên, sau đó tiếp tục được đi học chuyên khoa sơ bộ ở Huế.

Hai nữ hộ sinh trong trong ê kíp là Nguyễn Thị Hường và Nguyễn Thị Trang. Cả 4 người trong ê kíp trực đều có thâm niên công tác và có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Dũng – Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết: Phía Sở y tế có tiếp nhận đơn khiếu nại của gia đình chị Lê Thị Thanh Nhàn vào ngày 4/1/2018.

Đơn có nội dung khiếu nại các bác sĩ, y tá Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar tắc trách trong quá trình thăm khám và đỡ đẻ cho sản phụ Nhàn, dẫn đến cháu bé khi sinh ra bị suy hô hấp, gãy xương đòn và gãy xương sườn.

“Ngay khi tiếp nhận đơn khiếu nại, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo, và sau đó giao cho phó chánh thanh tra vào cuộc, xác minh xử lý”, ông Dũng cho hay.

Sở Y tế cũng đã chuyển đơn cho Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời thông báo cho gia đình đương sự về việc đã chuyển đơn.

“Vụ việc thuộc thẩm quyền của đơn vị thì để đơn vị giải quyết, nếu bên đương sự không đồng ý thì Sở Y tế mới vào cuộc. Vấn đề này phải giải quyết theo trình tự, nếu sai xót ở chuyên môn, đơn vị sẽ phải xem xét vấn đề, sau đó chuyển xuống khoa, xuống nhân viên trong khoa rồi đến kíp trực ngày hôm xảy ra vụ việc.

Nếu không có vấn đề gì lớn, sẽ xem xét đơn thư và trả lời cho đương sự biết”, tiếp lời ông Chánh thanh tra.