Bí ẩn dưới lòng đất Cư Êwi

Một quần thể di tích bước đầu được xác định là của người Chăm đến định cư và sinh sống từ khoảng đầu thế kỷ XII đến cuối thế kỷ XIV tại xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) đã bị chôn vùi dưới lòng đất. Đến nay, những gì tìm thấy được tại di chỉ này đã góp phần làm hé lộ những bí ẩn lịch sử thú vị về sự giao thoa kinh tế-văn hóa giữa người Chăm với các tộc người bản địa trong quá trình cộng cư kéo dài hơn 300 năm…

Có phải là di tích Chăm?

Theo khảo sát, tư liệu ghi lại của Bảo tàng Đắk Lắk qua hai đợt điền dã (1997 và 2007) thì quần thể di tích này bước đầu được xác định là của người Chăm. Bởi trước hết, vật liệu xây dựng nên các công trình kiến trúc ở đây được tìm thấy hoàn toàn bằng gạch có kích cỡ, màu sắc giống như các công trình kiến trúc Chăm ở vùng duyên hải miền Trung, Nam-Trung bộ và Tây Nguyên. Thứ đến, về mặt kỹ thuật xây dựng cũng vậy – gạch được xếp chồng lên nhau bằng chất kết dính đặc biệt chỉ có trong kiến trúc đặc thù của người Chăm. Cuối cùng là những hiện vật như gốm sứ, vật dụng sinh hoạt cũng như đồ tùy táng (cho người chết) được tìm thấy ở đây đều thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa Chăm.

1465786758-6238-ages1150427-Di-t-ch-C-EwI-2

Người dân ở thôn 1A, xã Cư Êwi đào tìm những viên gạch Chăm hiện còn tại vùng di tích.

Về quy mô, tính chất của quần thể di tích này, qua khảo tả của ông Nguyễn Việt Hà, nguyên cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk có mặt trong đợt khảo sát năm 1997 cho thấy: Quần thể di tích nằm rải rác trên một dải đồi thấp có chu vi rộng khoảng 1,5 km2, thuộc địa bàn xã Cư Êwi và một phần xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin ngày nay. Phía Tây Bắc giáp dãy núi Cư Kuin, phía Đông Nam giáp dãy núi Krông Bông và ở giữa là cánh đồng thấp trũng. Quần thể di tích bao gồm 12 cá thể khác nhau, trong đó có 9 ngôi mộ lớn nhỏ và 3 công trình khác được đoán định là đền thờ, sân đền và nhà chờ dùng để nghỉ ngơi, bày biện lễ vật cúng tế… Qua quan sát vào thời điểm trên, mỗi ngôi mộ được xây bao quanh một bức tường thành bằng gạch khá kiên cố có chiều dày 0,45 m, cao 3 m, rộng 20 m và chiều dài 25 m. Toàn bộ số ngôi mộ (bị người dân lúc đó đào bới lên để tìm đồ tùy táng) đã giúp đoàn điền dã Bảo tàng Đắk Lắk xác định nó có hình chữ nhật, hướng theo trục Đông-Tây và phía trên ngôi mộ đều xây vòm uốn cong theo hình bán nguyệt.

Hiện trạng quần thể di tích

Thông tin về quần thể di tích Chăm tại Cư Êwi chỉ dừng lại ở đó và đến nay chưa có phát hiện gì thêm. Khi chúng tôi tìm đến địa chỉ trên để thu thập cứ liệu nhằm góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn dưới vùng đất này thì ông Trần Đình Long, cán bộ phụ trách giao thông-thủy lợi xã Cư Êwi bảo rằng: “Chẳng còn dấu vết nào ngoài bức tường bằng gạch bị múc ủi và lộ ra khi làm đường giao thông nội bộ vào các thôn 1A, 1B cách đây vài năm”. Sau đó, ông Long dẫn chúng tôi đến nơi có bức tường bằng gạch lộ ra để xem qua, đồng thời gặp gỡ một số hộ dân đang sinh sống ở đó có biết một vài thông tin liên quan đến quần thể di tích này. Ông Trần Văn Cung cho hay: Trong quá trình làm nhà, hay xây dựng và mở mang hạng mục phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt nào đó, người dân trong khu vực đều thấy rất nhiều gạch nung có kích cỡ thống nhất 30 x 40 cm, dày 6 cm. Không ít người đã dùng gạch này để làm tường rào, lót sân… Đặc biệt, cách đây chừng 10 năm, cha con ông Ngô Đình Thọ, trong lúc đào giếng đã phát hiện một phiến đá khá to: cỡ 1,6 x 2 m (trên đó có khắc chữ cổ, không biết là chữ gì, trông ngoằn ngèo như giun dế-ông Cung nói). Tiếc là không ai báo với cơ quan chức năng để nghiên cứu và thẩm định, sau đó do kê dọn và di chuyển nhiều lần nên phiến đá bể ra thành nhiều mảnh. Đến nay gia đình ông Thọ cũng không nhớ đã vứt nó đi đâu. Ngoài ra họ còn tìm thấy những bức phù điêu chạm khắc các nữ thần trong tư thế múa lượn và bay bổng rất đẹp. Tất cả các tác phẩm nghệ thuật này đều không còn nguyên vẹn và bị người dân đập bỏ làm vật liệu xây nhà, xây sân trong suốt thời gian qua.

Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch xã Cư Êwi cho biết thêm: Từ thời điểm năm 2007 đến nay, không thấy ai đến hỏi han, tìm hiểu về quần thể di tích này nữa (trừ chúng tôi) và nó đã thật sự bị quên lãng. Hơn nữa, từ khi tách ra thành xã mới, người dân tứ xứ đổ vào sinh cơ lập nghiệp đông dần nên hầu hết diện tích đất- nơi quần thể di tích tọa lạc (bao gồm thôn 1A, 1B và thôn 2) đã biến thành làng mạc trù phú, ổn định… với hơn 800 hộ dân sinh sống, vì thế người ta không nhắc đến chuyện đã từng có một di tích rất cổ tồn tại ở đây nữa!

Thông điệp từ lòng đất

Câu hỏi đặt ra là người Chăm rời khỏi đó lúc nào và trong hoàn cảnh ra sao? Trước khi đi, tại sao họ phải lấp đất che phủ lên trên tất cả công trình kiến trúc của mình? Trong tư liệu “Tìm hiểu nước Chăm Pa Thượng” được trích đăng trong tạp chí Viễn Đông Bác Cổ lý giải rằng: Từ thế kỷ XII- thời kỳ hùng mạnh nhất của Vương quốc Chiêm Thành, sau khi chinh phục một số quốc gia và vùng đất đai láng giềng để mở rộng lãnh thổ, phát triển giao thương và truyền bá văn hóa Chăm, trong đó có một số vùng ở Tây Nguyên (Kon K’lor – Kon Tum; Ayun Pa, Krông Pa – Gia Lai; Ea Súp, Krông Bông và Krông Ana – Đắk Lắk), họ đã tạo nên sức ảnh hưởng lớn trên bình diện đời sống nói chung tại những nơi mà người Chăm hiện diện. Cho đến đầu thế kỷ XIV, khi lãnh thổ Chiêm Thành (vùng duyên hải miền Trung và Nam Trung bộ) bị Đại Việt (Vương triều Trần) tấn công, buộc người Chăm phải rút toàn bộ lực lượng về cố thủ và bắt đầu từ đây đánh dấu chấm dứt ảnh hưởng của người Chăm trên vùng đất Tây Nguyên.

Theo Sử liệu “Le Campa et le Monde moi Viet nam” xuất bản tại Paris năm 1981, có lẽ người Chăm ở Cư Êwi cũng ra đi trong thời gian và bối cảnh ấy. Trước khi đi, họ đã làm như thế để tránh sự xung động có thể xảy ra của các dân tộc bản địa. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra và những gì của người Chăm để lại vẫn nguyên vẹn, chỉ trừ yếu tố thời gian, cộng thêm những biến chuyển của lịch sử qua “thăng trầm dâu bể” đã ít nhiều làm cho văn hóa Chăm ở Tây Nguyên nói chung trở nên xa rời thêm. Song, có thể nói rằng trong quá trình cộng cư hơn 300 năm ấy, các tộc người ở Tây Nguyên đã có điều kiện tiếp xúc, giao thoa với người Chăm để chắt lọc làm nên vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo của mình. Việc quan tâm, tìm hiểu và nhất là “giải mã” thông điệp từ lòng đất Cư Êwi nhằm chứng tỏ mối quan tâm, cũng như vấn đề đặt ra nói trên, rất cần các cơ quan chức trách vào cuộc.

Nguồn Baodaklak.vn