Cà phê: Muốn có hàng, giá phải tăng mạnh

Ở thời điểm cuối niên vụ, lượng xuất khẩu cà phê của cả nước ba tháng gần đây giảm đáng kể. Vì vậy, thị trường cà phê nội địa tại các tỉnh Tây nguyên không mấy nhộn nhịp như thời gian đầu và giữa vụ.

Tổng Cục Hải Quan ước xuất khẩu cà phê trong tháng 7-2014 của nước ta chỉ đạt 88,6 ngàn tấn, giảm so với tháng 6-2014 là 108 ngàn tấn và so với tháng 4-2014 trên 210 ngàn tấn.

Một chuyên gia ngành hàng dự kiến hai tháng cuối vụ còn lại, tức tháng 8 và 9 năm nay, lượng xuất khẩu vẫn tiếp tục yếu nếu như giá kỳ hạn không tăng mạnh để kích hàng ra. Trong trường hợp giá kỳ hạn giảm, giá cà phê nội địa vẫn vững, sẽ xảy ra tình trạng giá hai bên mua và bán khó gặp nhau. Giá nội địa sẽ mắc hơn nên có thể làm chậm mạch xuất khẩu nếu như khách ngoại không chấp nhận trả cao.

Giá xuất khẩu cà phê robusta loại 2, 5% đen bể hiện nay đang được các nhà xuất khẩu chào bán ở mức trừ 20-30 đô la/tấn dưới giá niêm yết của sàn kỳ hạn Ice Liffe tại London, trong khi đó người mua chỉ trả mức trừ 50-60 đô la/tấn FOB (giao hàng qua lan can tàu). Mức cách biệt 30-40 đô la/tấn khá xa khiến hợp đồng mua bán xuất khẩu khó thành hiện thực. Điều đáng nói là khi giá kỳ hạn tăng mạnh, người mua thường kéo giãn giá xuất khẩu dưới dạng trừ lùi này càng xa như hiện nay người ta đang trả robusta của Brazil chừng trừ 65-85 đô la/tấn FOB.

Trên sàn kỳ hạn London, giá tiếp tục xuống. Đến hết phiên giao dịch ngày thứ Tư 20-8, giá niêm yết sàn này chốt mức 1969 đô la/tấn, giảm 7 đô la/tấn so với cách đấy một tuần và mất 124 đô la/tấn so với ngày đầu tháng, là ngày có giá đóng cửa cao nhất trong tháng tính đến hôm nay.

“Hàng để chuẩn bị giao hầu như đã sẵn nhờ mua từ trước. Nếu đợi giá rẻ để mua ở mức hiện tại, vẫn phải sợ rủi ro vì hàng ra thị trường rất ít khi giá dưới 40 triệu đồng/tấn,” lãnh đạo một đơn vị xuất khẩu cà phê lớn tại thành phố Buôn Ma Thuột cho biết. Sáng hôm qua thứ Năm 21-8, giá cà phê nội địa ở quanh mức 39 triệu đồng/tấn.

Tuy đã lường trước như thế, kinh doanh xuất khẩu cà phê vẫn không bớt khó khăn. Không chỉ rủi ro từ bản thân ngành hàng, vốn bị đầu cơ tài chính thế giới khống chế, giá lên xuống hết sức thất thường. “Cước chuyên chở nội địa tăng gấp ba lần do chính sách siết chặt xe chở quá tải, cước vận tải đường biển tuần qua được báo tăng lên mức cao nhất tính từ ba tháng nay đã làm chúng tôi không chỉ mất ăn mà có khi còn phải bù lỗ một khoản tiền khá lớn cho khoản tăng ngoài dự kiến này,” ông than vãn.

Giá cà phê kỳ hạn đã ì ạch lại gặp thêm các khoản chi phí tăng, cà phê chỉ còn cách đợi một đợt giá tăng đột biến mới mong lượng cà phê còn tồn trong dân ra được thị trường trước khi vụ mới bắt đầu.