Cà phê voi giá 2 triệu đồng/kg ở Đắk Lắk

Phát hiện loài voi thích ăn trái cà phê chín, anh Long ấp ủ ý tưởng và học hỏi cho ra đời sản phẩm cà phê voi mang hương vị đặc trưng xứ sở Tây Nguyên, bán với giá 1,5-2 triệu/kg.

Sau nhiều năm đưa đàn voi nhà vào rừng kiếm ăn, anh Đàng Năng Long (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) phát hiện voi thích ăn cà phê chín mọng do người dân trồng trên rẫy. Tình cờ, năm 2012, vợ chồng anh Long đi du lịch Thái Lan và thấy người dân nước này bày bán sản phẩm cà phê voi có giá từ 1.000 đến 1.500 USD/kg.

“Mình đang sở hữu đàn voi nhà số lượng nhiều nhất Tây Nguyên mà không làm được sản phẩm cà phê voi thì lãng phí quá, tôi liền học hỏi kinh nghiệm, cách làm của họ”, anh Long kể.

2911_Anh_1_Dac_san_ca_phe_voi
Du khách Nga thích thú với đặc sản cà phê voi ở cơ sở du lịch gia đình anh Đàng Năng Long (Đắk Lắk). Ảnh: Minh Hoàng.

Sau nhiều đêm trăn trở, vợ chồng anh Long quyết định thử nghiệm sản xuất cà phê voi. Theo anh Long, cách này vừa giúp cho anh có thêm thu nhập, vừa bảo tồn đàn voi nhà.

Chị Nguyễn Thị Thu Ba (vợ anh Long) cho hay, thời gian đầu, có lần gia đình thu mua hàng tấn cà phê tươi chín đỏ rất đẹp nhưng khi đổ ra máng thì cả đàn voi không con nào chịu ăn. “Hai vợ chồng toát mồ hôi, lo lắng vì việc làm cà phê voi đứng trước nguy cơ phá sản. Sau đó, chúng tôi tìm hiểu thì mới biết chủ rẫy này đã phun thuốc cho trái chín đồng loạt vì vậy mà voi chê cà phê”, chị Ba nói.

Theo chị Ba, trái cà phê cho voi ăn phải chọn chín mọng đều 100%, đặc biệt là phải sạch, chín tự nhiên. Mỗi con voi sẽ ăn trung bình 20-50 kg quả mỗi bữa. Voi ăn khoảng 30 kg cà phê tươi sẽ cho 9 kg cà phê thóc sau 2 ngày.

Để tạo ra hương vị độc đáo của cà phê voi, trước khi cho ăn quả cà phê, vài ngày trước đó, voi được cho ăn thêm dứa, mía, chuối. Chị Ba lý giải, thức ăn gộp nhiều loại quả làm nên loại men đặc biệt tạo cho hương vị cà phê voi độc đáo.

2911_Anh_2_Dac_san_ca_phe_voi
Nhân cà phê voi sau khi được rang. Ảnh: Minh Hoàng.

Sau hai ngày lên men trong dạ dày, voi được đưa vào rừng để đào thải. Công nhân sẽ mang găng tay nhặt hạt cà phê từ phân voi mang về rửa sạch bằng nước suối và rượu nhẹ. Sau đó, hạt được phơi một ngày đêm hứng nắng, sương.

Khi những hạt cà phê khô giòn cũng là lúc công nhân bắt tay vào công đoạn rang xay thành phẩm. Cà phê phải được rang bằng chảo gang dưới lửa củi hòa quyện mỡ gà vàng óng (mỡ gà dùng để rang cà phê phải là mỡ gà trống thiến)… 10 kg cà phê thóc sẽ thu được 1,5 kg cà phê nhân thành phẩm.

Anh Long chia sẻ, để có một mẻ cà phê đúng chất lượng và hương vị đặc thù chỉ có ở cà phê voi, người làm phải chuyên tâm. Hiện tại, mỗi kg cà phê voi thành phẩm được gia đình anh Long bán cho du khách với giá từ 1,2 đến 2 triệu đồng theo ý nghĩa “quà tặng” góp phần bảo tồn đàn voi nhà.

Nhâm nhi tách cà phê voi bên hồ Lắk, anh Hà Bình Nguyên (du khách Hà Nội) cho biết, khác với loại thông thường, cà phê voi đen sánh, tỏa hương thơm dịu nhẹ. “Loại này đậm đặc mang hương thơm hoa quả đặc trưng, lúc uống vào có vị the chocolate ở cuối đầu lưỡi thật khó quên”, anh Nguyên nói.

Đầu năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu “cà phê voi” cho gia đình anh Long. Đầu năm 2016, gia đình anh Long dự kiến sẽ phân phối sản phẩm cà phê voi ở các đại lý trong cả nước.

Nguồn News.zing.vn