Chủ nhà đang đói lả trên chính thủ phủ cà phê của mình

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, các DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã chiếm lĩnh 50% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam, tương đương 600.000 tấn mỗi năm.

doanh-nghiep-xuat-khau-ca-phe1

Theo UBND TP Buôn Ma Thuột hiện có tới 767 DN khó khăn do thiếu vốn; trong số đó, 110 DN xin tạm ngừng hoạt động từ 6 tháng tới một năm, 14 DN làm thủ tục phá sản

Điều đó đồng nghĩa với việc các DN FDI đang thống lĩnh thị trường nguyên liệu cà phê xuất khẩu tại Việt Nam. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, trong niên vụ 2010 – 2011, các DN này đã thu mua khoảng 200.000 tấn cà phê, chiếm 50% tổng sản lượng cà phê của cả tỉnh. Các DN FDI đang hưởng lợi hàng chục ngàn tỉ đồng từ các vùng nguyên liệu cà phê xuất khẩu do ngân sách Nhà nước và các DN Việt Nam đầu tư, xây dựng.

Góp thêm vị đắng cà phê, một “đại gia” cà phê ở Đắk Lắk từng được Hiệp hội Cà phê Thế giới xếp hạng là công ty xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất toàn cầu, có dấu hiệu trở thành con nợ lớn với mức nợ khó trả lên đến gần 2.000 tỉ đồng.

Theo chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, hiện ở nơi được xem là thủ phủ cà phê này, có tới 767 DN khó khăn do thiếu vốn; trong số đó, 110 DN xin tạm ngừng hoạt động từ 6 tháng tới một năm, 14 DN làm thủ tục phá sản. Như vậy, chẳng khác nào cảnh các ông chủ đang đói lả trên thủ phủ cà phê của chính mình.

Mổ xẻ nguyên nhân, ngoài chuyện muôn thuở là do DN nội địa thiếu vốn và chịu lãi suất cao, sâu xa vẫn là câu chuyện quản lý. Đây cũng là một chuyện dài nhiều tập, ai cũng biết nhưng không giải quyết rốt ráo. Để có vùng chuyên canh cà phê hơn nửa triệu hecta như ngày nay, Việt Nam đã phải đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, nghiên cứu khoa học…

Thế nhưng, vùng nguyên liệu đó lại đang được “mở cửa” để cho các DN FDI hưởng lợi. Nói như Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) – ông Lương Văn Tự – thì “thực chất, chúng ta đang làm cho người khác hưởng”! Về mặt pháp lý, Nghị định 23 không cho phép các DN nước ngoài được mở mạng lưới gom cà phê trực tiếp nhưng trên thực tế, do mạnh về vốn, lại thừa kinh nghiệm thương trường, thương nhân FDI chỉ cần nhích giá mua lên chút đỉnh đã dễ dàng đánh bật DN nội ra khỏi “sân chơi”. Dù vậy, đến nay vẫn chưa có chế tài để xử lý.

Không ít DN nội đã phải mua lại nguyên liệu cà phê của DN nước ngoài. Chưa kể, cách làm ăn manh mún, thiếu liên kết của DN nội cũng đang tự giết mình. Nhiều DN cà phê Việt Nam bán hàng theo hợp đồng giao sau và trừ lùi một mức nhất định theo giá sàn giao dịch London ở thời điểm giao hàng để có hợp đồng vay vốn ngân hàng. Và chuyện cứ bán trừ lùi rồi mua hàng giá cao khi thị trường biến động chốt giá không kịp, bị lỗ là tất yếu. Chi phí đầu vào cao hơn, trong khi giá bán lại thấp hơn, không thua lỗ mới là lạ!

Hiện Bộ NN-PTNT đang triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng và hình thành vùng nguyên liệu cà phê bền vững cho các DN trong nước. Bởi theo tính toán, nếu chương trình tái canh trên 135.000 ha cà phê không đem lại hiệu quả, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm sút trên 30% trong vài năm tới. Để làm được điều này, số vốn đầu tư lên tới hơn 10.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nếu không có biện pháp quản lý, chấn chỉnh tình trạng “ăn xổi”, nhiều người lo ngại rằng DN nước ngoài lại hưởng lợi từ khoản đầu tư đó.

Nguồn Người Lao Động