Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm, làm việc tại tỉnh Gia Lai và Đác Lắc

Trong chương trình công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, ngày 16 và 17-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn công tác các bộ, ngành T.Ư đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai.

171965438Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, đồng chí Phạm Thế Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo một số nét khái quát về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh. Theo đó, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,14%; thu nhập bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 giảm 3,81% còn 23,75%.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch nước biểu dương những kết quả đạt được trên các mặt sau hơn một năm tỉnh Gia Lai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14… Chủ tịch nước lưu ý, Gia Lai là địa phương có tài nguyên đất đai lớn, phù hợp phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, nhất là cây cao-su. Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu và có chính sách tốt hơn nữa bảo đảm sự cân đối với việc sử dụng tiềm năng về đất đai và tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, Gia Lai có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm đến 44,3% dân số, do vậy tỉnh cần có phương án quy hoạch sử dụng đất cụ thể, hiệu quả và phải gắn với việc chăm lo, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là đồng bào DTTS. Đảng bộ tỉnh cần thường xuyên tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở thật sự vững mạnh; đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ và cảnh giác trước âm mưu chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch; thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, các chính sách an sinh xã hội, nhằm đưa tỉnh Gia Lai phát triển về kinh tế, bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng – an ninh, cùng với cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch nước và đoàn công tác đã dành thời gian kiểm tra tình hình phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh ở cơ sở. Tại xã Ia Nan (huyện Đức Cơ), trong buổi làm việc với lãnh đạo xã, Chủ tịch nước lưu ý Đảng bộ, chính quyền xã cần chú ý các giải pháp nhằm giảm hộ nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Công ty 72 (thuộc Binh đoàn 15) đang hoạt động trên địa bàn xã cần tích cực hơn nữa trong việc tận dụng quỹ đất để trồng cao-su, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, chuyển giao khoa học – kỹ thuật; đồng thời ưu tiên tuyển dụng đồng bào vào làm công nhân, nhận khoán chăm sóc vườn cây.

Chủ tịch nước và Đoàn công tác đã đến thăm, động viên và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 723; cán bộ, người lao động Công ty 75 (Binh đoàn 15); Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên.

Chủ tịch nước đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên và Binh đoàn 15. Tại đây, sau khi nghe lãnh đạo các đơn vị báo cáo về tình hình hoạt động các đơn vị, Chủ tịch nước đã biểu dương những cố gắng của Quân đoàn 3 trong việc xây dựng đơn vị vững mạnh, bảo đảm công tác hậu cần, chăm lo tốt đời sống bộ đội, phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu cao. Với Binh đoàn 15, Chủ tịch nước biểu dương Binh đoàn đã thực hiện tốt phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; Công ty gắn với huyện, xã; Đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn kết, giúp đỡ hộ công nhân đồng bào dân tộc thiểu số” qua đó, đã làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với xây dựng và giữ vững quốc phòng – an ninh, tổ chức cho các đơn vị kết nghĩa với 220 thôn, làng thuộc 33 xã và hơn 8.400 hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh Gia Lai cần tiếp tục phát huy truyền thống, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, chăm lo và nâng cao đời sống cho đồng bào tại chỗ,  đặc biệt là giúp người dân và tỉnh tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực, hiệu quả, góp sức đưa nông thôn vùng sâu Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung ngày một khởi sắc, đồng bào vùng sâu các dân tộc có cuộc sống ấm no hơn.

* Cùng ngày, Chủ tịch nước đã thăm và làm việc tại xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc, nghe lãnh đạo xã báo cáo về tình hình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Với dân số 2.067 hộ, trong đó 98% là dân tộc Ê Đê, xã Ea Tul đang phối hợp các doanh nghiệp, cơ quan chức năng, triển khai chương trình cà-phê bền vững. Nhờ tăng cường công tác khuyến nông, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, năng suất cà-phê tại các hộ ứng dụng chương trình cà-phê bền vững được nâng lên, đạt 2,5 tấn/ha. Đánh giá cao mô hình kết hợp giữa nhà nông và doanh nghiệp trong việc nâng cao sản lượng cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mang lại nguồn lợi cho cả hai bên, Chủ tịch nước căn dặn chính quyền, doanh nghiệp tiếp tục điều kiện, hỗ trợ người dân xã xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống sinh hoạt.

Chủ tịch nước đã đến thăm Công ty cà-phê Trung Nguyên – doanh nghiệp đã tham gia thực hiện dự án “Mô hình cụm cà-phê quốc gia và mô hình nông thôn mới tích hợp liên hoàn”. Tại đây, Chủ tịch nước nghe lãnh đạo đơn vị, các chuyên gia trong nước và nước ngoài báo cáo về những ưu điểm của dự án, nhất là những mặt tích cực trong việc cải thiện môi trường, chất lượng sống, nâng cao dân trí, điều kiện sinh hoạt cho người dân tại xã Ea Tul.

Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã thăm mô hình “tưới cây nhỏ giọt theo công nghệ” theo công nghệ Ixaen tại hộ gia đình ông Ama Chương, buôn Kô Tam, xã Ea Tul, thành phố Buôn Ma Thuột. Sau hai năm triển khai công nghệ mới, năng suất cà-phê tăng gấp rưỡi về sản lượng. Cùng với các hộ nông dân khác ở xã Ea Tul, sản phẩm cà-phê của gia đình ông Ama Chương được doanh nghiệp bao tiêu, thu nhập thêm từ 70 triệu đồng mỗi năm, sau khi tham gia dự án.

Làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Chủ tịch nước nghe lãnh đạo Ban Chỉ đạo báo cáo về vấn đề đất đai, rừng, và chính sách lâm nghiệp; tình hình sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc, đầu tư phát triển giao thông; hợp tác kinh tế thương mại với Lào, Cam-pu-chia; bảo đảm an ninh nông thôn giữ vững ổn định chính trị; xây dựng cơ sở đảng vùng dân tộc thiểu số.

Chủ tịch nước cho rằng, những năm gần đây, hơn một nửa số buôn làng ở Tây Nguyên từ nghèo đói đã vươn lên khá, trung bình. Nhiều nơi đã định hình được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp điều kiện đất đai, hạ tầng, tập quán. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất, đời sống của vùng dân tộc thiểu số còn rất khó khăn. Công tác giảm nghèo nhiều nơi chưa bền vững. Chủ tịch nước nhấn mạnh hai nhiệm vụ cần chú trọng thực hiện của đảng bộ, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên là thực hiện chính sách về đất đai và chú trọng kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở. Theo đó, các địa phương cần nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách về lâm nghiệp trong giai đoạn mới; giảm số thôn buôn chưa có chi bộ Đảng, đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng Đảng tại cơ sở; huy động nguồn lực cần thiết, đủ mạnh để xây dựng hạ tầng nông thôn mới.