Đa thê ở buôn nghèo

Nạn đa thê, nạn tảo hôn, nạn hôn nhân cận huyết như bóng mây u ám phủ trên nóc nhà của người dân nghèo ở những buôn làng xa xôi của tỉnh Đắk Lắk.

dak-lak-da-the-o-buon-ngheo

2 người vợ và 4 đứa con của ông Nông Văn Hùa.

Nhiều vợ mới có người làm rẫy

Câu chuyện đàn ông 5 thê, 7 thiếp tưởng chỉ có trong cổ tích hoặc thời xa xưa nhưng giờ hiện hữu ở bản nghèo nằm cheo leo nơi bìa rừng. Chúng tôi cùng bà Hoàng Thị Châm, cán bộ dân số xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, Đắk Lắk đến làng Mông của xã. Bà Châm chia sẻ: “Ở xã này có khoảng chục hộ gia đình, chồng có từ 2 vợ trở lên, nói là vợ chồng vậy thôi, họ ưng nhau họ về ở cùng nhau không thông qua chính quyền nên chúng tôi không biết. Điều lạ là các bà vợ sống hòa thuận như chị em, mẹ con vậy. Cán bộ dân số đến tuyên truyền thì họ nói: Vẫn biết thế là vi phạm pháp luật, nhưng nhiều vợ mới có người làm rẫy, mới có cái ăn”.

dak-lak-da-the-o-buon-ngheo

Một góc làng Mông ở xã Cư Kbang.

Trong ngôi nhà cấp 4 ngổn ngang hàng tạp hóa, không chút e dè, ông Triệu Đức Chi (sinh 1973) kể: “Tôi có 3 người vợ, 6 đứa con, hiện tất cả đang đi làm rẫy tối mới về. Người vợ đầu cưới ở ngoài Bắc, chúng tôi di cư vào đây lập nghiệp rồi tôi lấy thêm 2 vợ nữa, sống chung trong một mái nhà. Lúc đầu vợ cả khó chịu nhưng rẫy nương nhiều có thêm 2 người phụ giúp, đi làm có chị, có em nói chuyện với nhau, dần dần họ trở nên thân thiết”. Khi hỏi về chuyện sinh hoạt vợ chồng, ông cười tươi: “Có gì đâu, nhà cửa tuy sơ sài nhưng cuộc sống của chúng tôi đầm ấm và hòa thuận. Tôi phân chia rất rõ ràng, nên các vợ đều vui vẻ, nhà có 3 phòng ngủ, 1 phòng dành cho con, 2 phòng dành cho tôi và các vợ, hôm nào ngủ với vợ cả thì 2 vợ còn lại ngủ phòng bên cạnh, cứ như thế xoay thành vòng tròn. Những người làm rẫy như chúng tôi mới cần nhiều vợ, chứ cán bộ thì cần gì lấy nhiều”.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nông Văn Hùa (sinh 1975, xã Cư Kbang). Trong căn nhà gỗ tuềnh toàng, 2 người phụ nữ cùng 4 đứa trẻ đang ngồi trò chuyện rôm rả. Sau khi nghe cán bộ dân số giải thích, 2 người phụ nữ cúi mặt đi nơi khác tủm tỉm cười. Chị Hoàng Thị Chia (sinh 1989) cho biết: “Chồng đi làm rẫy chưa về, lúc đầu chồng đưa vợ mới về ở cùng nhà, mình không thích. Nhưng tự nhiên có thêm một người em gái cũng thấy vui, giờ 2 chị em sống hòa thuận lắm. Mình có 2 đứa con, “vợ mới” của chồng cũng có 2 đứa”.

Lời ru buồn trên nương

Từ trung tâm xã Cư Pui, huyện Krông Bông, chúng tôi dò dẫm trên con đường đất đỏ gồ ghề, vượt qua cánh rừng âm u hơn 30 cây số để đến thôn Ea Rớt. Ngôi nhà của vợ chồng Lò Văn Dũng (sinh năm 1990) và Vũ Thị Song (sinh năm 1992) nằm lọt thỏm giữa những quả đồi. Song cùng 2 đứa con thơ đứng khép nép dưới góc nhà lạ lẫm nhìn chúng tôi. Khi cô giáo dạy mầm non trong thôn đi cùng giới thiệu tôi là bạn cô, Song mới mở lời: “Em học hết lớp 3, lấy chồng từ năm 15 tuổi. Bạn bè bằng tuổi đứa nào cũng có chồng có con hết rồi. Lúc trẻ em cũng trắng, đẹp gái lắm, thanh niên ai cũng mê. Từ lúc lấy chồng sớm, sinh con, lao động kiếm tiền thì phải nhanh già thôi”.

Anh Dương Văn Dính (thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) năm nay 34 tuổi, đã lên chức ông ngoại, cho biết: “Vợ chồng tôi có 6 người con. Năm ngoái con gái đầu là Dương Thị Tòng (SN 2003) sinh cho tôi đứa cháu ngoại. Đến tuổi phải lấy chồng, sinh con để phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy”.

dak-lak-da-the-o-buon-ngheo

Những đứa trẻ thôn Ea Rớt đang nô đùa.

Theo thống kê của Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình huyện Krông Bông, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện có 31 trường hợp tảo hôn, trong đó 24 trường hợp ở vùng đồng bào Mông sinh sống, chiếm 77%.

Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy. Xã Đắk Liêng, huyện Lắk, chuyện con cô con cậu ruột lấy nhau vẫn diễn ra khá phổ biến. Họ quan niệm rằng: Người trong dòng họ lấy nhau để thừa kế tài sản, giữ cho của cải vật chất trong nhà không bị chia cho người dòng họ khác. Cuộc hôn nhân giữa Y Lương Pang Sưk và H’Ninh Nơm ở buôn Ranh B (mẹ Y Lương là em gái ruột của bố H’Ninh) đưa đến kết quả, năm 2005 họ sinh đứa con trai đầu lòng bị khoèo chân, mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ. Năm 2009, hai vợ chồng sinh tiếp một bé gái, bé được 6 tháng tuổi đã qua đời vì căn bệnh bại não. 2 vợ chồng Y Lương đều không biết rằng, nỗi đau mà những đứa con của họ gánh chịu xuất phát từ hôn nhân cận huyết.

Nghe rồi để đấy

Bác sỹ H’Lê Niê, Trưởng phòng Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Đắk Lắk là tỉnh mà đồng bào dân tộc thiểu số có tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Kết hôn từ độ tuổi 12 -19 tuổi là 75.569 người, dưới 12 tuổi là 935 người. Hôn nhân cận huyết thống ở dân tộc M’Nông chiếm 4,02%. Năm 2009, Đắk Lắk được chọn thực hiện thí điểm mô hình “Can thiệp làm giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số” tại 4 xã được xem là điểm nóng trên địa bàn 2 huyện Lắk và Krông Pắk. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng hầu hết ở các huyện. Trở ngại lớn nhất trong quá trình triển khai mô hình là vấn đề nhận thức. Khi cán bộ dân số đến tuyên truyền, vận động, giải thích về những hệ lụy tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đồng bào lắng nghe nhưng nghe rồi để đó, không thực hiện, vẫn theo hủ tục. Ngoài ra, lực lượng cán bộ dân số ở cơ sở còn mỏng, trong khi địa bàn rộng, dân cư rải rác ở những vùng hẻo lánh, khó tiếp cận nên việc triển khai mô hình chưa đạt được hiệu quả như mong muốn…