Đằng sau cái chết của người đàn ông đu dây qua sông

Như tin đã đưa, ngày 26-10, ông Nguyễn Chua (51 tuổi, trú thôn 6, xã Hòa Lễ, Krông Bông, Đắk Lắk) trong lúc đang đu dây cáp tự chế để qua sông tới rẫy thu hoạch cà phê, không may móc ròng rọc bị tuột khiến ông té xuống mép sông từ độ cao gần 10m và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Sông Krông Ana đoạn chảy qua xã Hòa Lễ là ranh giới giữa địa phương này với một số xã thuộc huyện Krông Păk có chiều dài hơn 10km, dọc đoạn sông này hiện vẫn chưa có cầu nên hàng ngày vẫn có trên 100 hộ dân trong xã liều mình đu cáp qua sông Krông Ana để canh tác.

>>Vượt sông bằng dây cáp treo, một người tử vong

Mặc dù nguy cơ xảy ra tai nạn cao nhưng người dân vẫn liều mình đu dây qua sông

Mặc dù nguy cơ xảy ra tai nạn cao nhưng người dân vẫn liều mình đu dây qua sông

Ông Nguyễn Minh Sơn – Phó chủ tịch UBND xã Hòa Lễ cho biết: Trước đây xã có hơn 20 điểm cáp treo tự chế, UBND xã đã có lệnh tháo dỡ và đã đi cưỡng chế tháo dỡ một số cáp treo tự chế tại địa phương. Hiện còn khoảng 3 đến 4 điểm cáp chưa tháo dỡ, vì người dân lấy lý do đã đến mùa thu hoạch nên không còn cách nào khác phải giữ lại cáp treo, người dân cũng hứa hẹn sau thu hoạch mùa vụ sẽ nhanh chóng tháo bỏ, vì khi có lệnh cấm họ chưa chuẩn bị kịp thời các phương tiện khác để qua sông nên sử dụng tạm thời dây cáp để qua sông canh giữ khỏi mất trộm và thu hoạch kịp mùa vụ. Mùa vụ chưa xong thì đã xảy ra việc đau lòng này.

Được biết, tiền làm cáp treo từ 5-7 triệu đồng đều do người dân tự “góp của, góp công” dựng và sử dụng chung. Tuy nhiên do mỗi nhà có mục đích sử dụng khác nhau nên riêng ròng rọc thì nhà nào có, nhà ấy tự bảo quản và thiết kế sao cho phù hợp.

Không chỉ ở huyện Krông Bông mà trên địa bàn huyện Buôn Đôn tại con suối Ea Rếch chảy qua thôn 7 và thôn 8, xã Ea Huar vào mùa khô suối cạn người dân chỉ cần xắn quần lội qua, thế nhưng vào mùa mưa nước chảy xiết, lòng suối rộng hơn 15m, sâu 3 – 4m người dân muốn qua suối làm rẫy chỉ còn cách đu dây cáp, bởi nếu tránh suối đi vòng phải mất tới 15km. Theo ông Nguyễn Duy Tư, cán bộ kế hoạch xã Ea Huar: Trước sự nguy hiểm đu dây cáp treo đi làm rẫy của người dân, năm 2013, UBND xã Ea Huar đã đề nghị UBND huyện Buôn Đôn và Sở GTVT hỗ trợ kinh phí xây cầu dân sinh phục vụ cho khoảng 600 hộ dân canh tác gần 2.000ha bên kia suối Ea Rếch, các ngành đã khảo sát nhưng kết quả đến nay chưa có hồi âm.

Tới nay, trên địa bàn tỉnh Đăc Nông có 160 cầu treo, cầu tạm hầu hết đều đã hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn. Để không còn những cái chết thương tâm như trường hợp của ông Chua, thiết nghĩ các tỉnh trong vùng cần rà soát thực trạng, lên kế hoạch tổng thể, kiến nghị Bộ GTVT và các bộ, ngành chức năng có phương án ưu tiên phân bổ nguồn vốn, kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị giúp đỡ đầu tư xây dựng cầu dân sinh phục vụ sinh hoạt và sản xuất của bà con nông dân.

<bclass=”row-title” title=”Công chức Đắk Lắk “thoát y” trước phóng viên, vi phạm pháp luật không?”>Có thể bạn quan tâm:

Nguồn Daidoanket.vn