Doanh nghiệp “tố” tỉnh thu hồi đất Dự án BVĐK Nhân An trái luật

Công ty Nhân An còn khiếu nại cho rằng, cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đưa ra phán quyết chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Nhân An (gọi tắt là Cty Nhân An, có địa chỉ số 2 Nguyễn Thị Định, phường Thành Nhất, TP Buôn ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã khởi kiện UBND tỉnh Đắk Lắk vì cho rằng Quyết định số 2760/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 thu hồi 15.936m2 đất đã giao cho công ty thuê 50 năm để xây dựng Bệnh viện nhân An là trái pháp luật.

Công ty Nhân An còn khiếu nại cho rằng, cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đưa ra phán quyết chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật. Nội tình vụ việc như thế nào?

Khu đất Dự án Bệnh viện Đa khoa Nhân An mới khởi công xây dựng được 1 năm 9 tháng đã bị thu hồi.

Sau 3 năm mới giao đất

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 9/4/2009, UBND tỉnh Đắk Lắk ký Hợp đồng số 67/HĐ- TĐ cho Cty Nhân An thuê 15.936m2 đất tại phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột để triển khai dự án xây dựng BVĐK Nhân An, thời hạn sử dụng đất 50 năm.

Công trình khởi công xây dựng ngày 15/8/2011 với quy mô 100 giường bệnh, tổng mức đầu tư tới hơn 350 tỷ đồng, có thời gian thi công 2 năm. Do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ, nên đến ngày 19/9/2011 (hơn 3 năm sau) UBND tỉnh Đắk Lắk mới bàn giao đất trên thực địa cho Cty Nhân An.

Trong khi Cty Nhân An đang huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng bảo đảm theo đúng tiến độ cam kết, thì ngày 26/6/2013, UBND tỉnh Đắk Lắk bất ngờ có Văn bản số 4193/UBNDCN về việc chấm dứt chủ trương đầu tư đối với dự án BVĐK Nhân An; tiếp đến ngày 30/12/2013, UBND tỉnh này tiếp tục ban hành Quyết định số 2760/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của dự án để cho công ty khác thuê.

Phân tích về vụ việc, Luật sư Huỳnh Phương Nam, Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành văn bản chấm dứt chủ trương đầu tư, quyết định thu hồi đất của dự án như trên là chưa tuân thủ quy định của pháp luật.

Trước hết, về thời điểm chấm dứt chủ trương đầu tư dự án vào tháng 6/2013 khi công trình mới thi công được 1 năm 9 tháng. Trong khi đó, công trình có thời gian thi công được cấp thẩm quyền phê duyệt là 2 năm.

Căn cứ vào Khoản 12, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 thì công trình còn tổng cộng thời gian thi công 27 tháng nữa.

Cụ thể, Khoản 12, Điều 38 quy định: Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp “Đất được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép”.

Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật, phải sau ngày 19/9/2015, nếu công trình chưa hoàn thành, thì UBND tỉnh Đắk Lắk mới có quyền chấm dứt chủ trương đầu tư và thu hồi đất dự án.

Ông Lương Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Nhân An cho rằng, việc UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành các văn bản chấm dứt chủ trương đầu tư, thu hồi đất Dự án Bệnh viện Nhân An trái quy định pháp luật đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho doanh nghiệp.

Cụ thể, ngày 9/4/2009, UBND tỉnh Đắk Lắk ký hợp đồng cho Cty Nhân An thuê đất, nhưng mãi 29 tháng sau, mới bàn giao mặt bằng, dẫn tới Cty Nhân An mất cơ hội vay vốn ưu đãi 6%/năm của Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam BIDV, tại thời điểm được cấp phép đầu tư và thuê đất (2009).

Đến khi nhận được mặt bằng sạch (năm 2011) lãi suất cho vay đã tăng lên 17%/năm, khiến công ty khó khăn trong việc huy động nguồn vốn.

Mặc dù vậy, tính đến thời điểm bị thu hồi đất, Cty Nhân An đã đầu tư tổng cộng hơn 15 tỷ đồng, trong đó có 12 tỷ đồng xây dựng các hạng mục san ủi mặt bằng, đào hố móng, đổ lót cốp pha, lót giằng móng và hơn 3,2 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Như vậy, theo quan điểm của nhiều luật sư, sai phạm của UBND tỉnh Đắk Lắk trong việc ban hành các văn bản chấm dứt chủ trương đầu tư, thu hồi đất Dự án Bệnh viện Nhân An khá rõ.

Cơ quan xét xử có “lờ” sự thật?

Thế nhưng, tại Bản án sơ thẩm số: 02/HC-ST, ngày 24/4/2015 của TAND tỉnh Đắk Lắk và Bản án phúc thẩm số: 11/HC-PT, ngày 24/12/2015 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đều tuyên “Bác yêu cầu khởi kiện của Cty Nhân An về việc yêu cầu hủy Quyết định 2760/QĐ-UBND.

Luật sư Huỳnh Phương Nam cho rằng, cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều “cố tình” hiểu, áp dụng và tính thời điểm không đúng theo quy định tại Khoản 12, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003. Cụ thể, Bản án phúc thẩm nhận định: “Cty Nhân An được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê đất xây dựng công trình theo dự án phê duyệt, nhưng không thực hiện đúng tiến độ xây dựng.

Quá hạn 2 năm mà phía công ty mới đào đất và thi công lớp lót móng công trình. Nên áp dụng Khoản 12, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003, UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi đất là có căn cứ, đúng pháp luật”.

Nhận định này là thiếu thuyết phục, bởi lẽ thời điểm bàn giao đất triển khai dự án này được điều chỉnh theo Khoản 12, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 là ngày 19/9/2011, chứ không phải ngày 9/4/2009 (ngày UBND tỉnh Đắk Lắk ký Hợp đồng số 67/HĐ-TĐ cho Cty Nhân An thuê đất) để từ đó đưa đến nhận định “quá hạn 2 năm mà phía công ty mới đào đất và thi công lớp lót móng công trình”.

Như vậy, thời điểm “quá hạn 2 năm” của dự án này phải kể từ sau ngày 19-9-2015 mới phù hợp. Ngoài ra, theo tìm hiểu, Dự án xây dựng BVĐK Nhân An nằm trong nhóm ngành nghề được ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư.

Qua xem xét nội dung hồ sơ vụ việc có thể thấy, Việc UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi 15.936m2 đất của Cty Nhân An có dấu hiệu không tuân thủ quy định của pháp luật. Tiếp đến phán quyết của cả hai phiên tòa chưa thực sự khách quan đã gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, và làm cho vụ việc kéo dài, phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh Đắk Lắk.

Được biết, hiện tại Cty Nhân An đã kiến nghị lên Tòa án nhân dân Tối cao theo trình tự giám đốc thẩm. Trong vụ việc này, dư luận đòi hỏi một phán quyết công minh, tuân thủ đúng quy định pháp luật.