Độc đáo quyển sách gỗ về thầy giáo Y Jút

Thầy giáo Y Jút H’wing (1885-1934) là người Êđê đầu tiên có công lớn trong việc biên soạn bộ chữ viết của người Êđê; không chỉ thể hiện xuất sắc vai trò giáo viên ưu tú mà ông còn là một người con tiên phong trong phong trào kháng Pháp ở Buôn Ma Thuột vào đầu thế kỷ 20.

Để tôn vinh những đóng góp to lớn của thầy giáo Y Jút mới đây, Tiến sĩ Buôn Krông Thị Tuyết Nhung (Trường Đại học Tây Nguyên) và nghệ nhân Võ Văn Hải (hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Đắk Lắk) đã tổ chức ra mắt quyển sách gỗ độc đáo với tựa đề: “Thầy giáo Y Jút H’Wing – người con ưu tú của Tây Nguyên”.

Với 12 trang, khổ 50×70 cm, nặng khoảng 40 kg, độ dày 12 cm, làm bằng gỗ bạch tùng và viền bằng gỗ cà te, quyển sách được viết bằng 4 ngôn ngữ: tiếng Việt, Êđê, Anh, Pháp giới thiệu về tiểu sử cũng như những đóng góp to lớn của thầy giáo Y Jút trong cuộc đời của mình. Đây là đứa con tinh thần mà Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung và nghệ nhân Võ Văn Hải đã phải đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết để hoàn thành. Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung chia sẻ: “Là một người con ở Tây Nguyên, ngay từ khi còn nhỏ tôi đã từng nghe tên của thầy giáo Y Jút, và cũng rất may mắn trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu tôi được trang bị một số kiến thức liên quan đến sự kiện, nhân vật. Chính vì thế cùng với tâm huyết của nghệ nhân Võ Văn Hải, chúng tôi đã tìm hiểu, thu thập tư liệu thông qua những người trong dòng họ của thầy cũng như một số nhân vật đương thời và các nhà khoa học. Tuy nhiên, trong quá trình thu thập tư liệu cũng gặp phải một số khó khăn như: Tư liệu viết về thầy Y Jút không nhiều (một lần nhà của thầy bị cháy nên mất hết hình ảnh cũng như những thông tin liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cống hiến của thầy). Do vậy, trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã gặp gỡ, tìm hiểu, rồi từ những mảnh ghép câu chuyện của gia đình dòng họ thầy Y Jút kể lại, cũng như một số tư liệu ít ỏi từ các nhà khoa học, đặc biệt là của Tiến sĩ Nguyễn Văn Bé để viết được quyển sách này, với mong muốn quyển sách sẽ là một công trình nghệ thuật ý nghĩa, có giá trị bảo tồn và nghiên cứu, góp phần gìn giữ, tôn vinh, tuyên truyền và giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau…”.

images1112396_IMG_6849
Quyển sách độc đáo về thầy giáo Y Jút của Tiến sĩ Buôn Krông Thị Tuyết Nhung và nghệ nhân Võ Văn Hải.

Bên cạnh những giá trị về nội dung, quyển sách về thầy giáo Y Jút còn độc đáo, mới lạ bởi hình thức thể hiện. Để tạo được quyển sách bằng gỗ đạt mức… “kỷ lục” không phải là điều đơn giản. Ngoài ý tưởng hay thì nguyên vật liệu là yếu tố không thể thiếu cho một tác phẩm, qua nhiều lần thử nghiệm, nghệ nhân Võ Văn Hải đã quyết định chọn hai loại gỗ là bạch tùng và cà te để thay thế cho nguyên liệu giấy thông thường. Đây là hai loại gỗ “sáng giá”, bởi lẽ khi được xử lý kỹ, hai loại gỗ này sẽ duy trì được tuổi thọ hàng trăm năm, trong khi những loại khác có tuổi thọ ngắn hơn từ 10 – 20 năm; mặt khác loại gỗ này còn có một thế mạnh đặc biệt nữa là khi phủ lớp sơn pê-u lên sẽ chuyển màu làm nổi bật từng trang sách. Bên cạnh đó, tay nghề sử dụng bút lửa cũng là một yếu tố rất quan trọng để tạo nên đứa con tinh thần đẹp hay xấu. Bằng sự trân trọng, lòng nhiệt tình và thực hiện bằng cái tâm nên ở mỗi trang sách thông qua những nét đậm, nét nhạt khác nhau, nghệ nhân Võ Văn Hải đã dành thời gian hơn 3 tháng để tập trung nắn nót viết từng nét chữ trên các trang gỗ bằng nghệ thuật bút lửa. Có thể nói, để viết nên được những nét chữ đẹp như… in, bên cạnh việc đòi hỏi phải có sự khéo léo, có khiếu hội họa mà còn rất cần có sự nhẫn nại, tỉ mỉ. Dưới bàn tay của nghệ nhân Võ Văn Hải, từng đường nét sắc sảo, tinh tế với màu sắc đậm, nhạt khác nhau hiện ra trên từng trang sách. Điều này không phải ai cũng có thể làm được, bởi nếu tay nghề yếu, sử dụng lửa nhẹ quá thì sẽ không khắc được chữ; ngược lại, nếu dùng lửa mạnh tay có thể làm cháy, phá hỏng trang sách. Một công đoạn góp phần không nhỏ cho sự thành công của tác phẩm là gỗ cần được hấp hoặc luộc, sau đó sấy khô và tẩm những hóa chất không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được sử dụng trong ngành gỗ để xuất khẩu; nếu không tuân thủ yêu cầu này thì tác phẩm sẽ dễ bị cong, nứt, hư hỏng do tác động của khí hậu và các tác động ngoại lực.

Được biết, các tác giả đang tiến hành các thủ tục để đề nghị xác lập kỷ lục Việt Nam với danh hiệu quyển sách gỗ được viết bằng 4 thứ tiếng Việt – Êđê – Anh – Pháp đầu tiên tại Việt Nam.

Nguồn Baodaklak.vn