Đột nhập phố ‘Si đa’ trên lãnh địa Tây Nguyên

Về Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và rảo bước trên đường Lê Duẩn, thấy phố thị nhộn nhịp hẳn lên với những shop chuyên bán đồ “Si đa”.

Nhiều trường hợp người mua quần áo “si” đã phát hiện có vết máu trên vải. Điều đó chứng tỏ, đồ “si” hoàn toàn không được xử lý.

Nhộn nhịp đi mua hàng “si”

Ngay từ sáng sớm những shop hàng “si” đã mở cửa để chào đón “thượng đế” đến mua đồ của mình. Trên dọc con phố, hình ảnh người mua hàng từ già trẻ, gái trai cho đến những em bé đứng ngắm nghía, thử đồ thật nhộn nhịp.

Quần áo Sida thường gọi là hàng “si”, là tên gọi của mặt hàng quần áo cũ được bày bán trên thị trường. Hàng “si” rất phong phú, từ quần áo, giày dép, túi xách, dây nịt, mắt kính đến đồ lót, đồ tắm… Dù là hàng đã qua sử dụng, nhưng vì lạ, “không đụng hàng” và giá nhiều mặt hàng hấp dẫn nên hút lượng khách khá lớn.

Không chỉ những người có thu nhập thấp mới tìm đến hàng “si”, đây còn là mặt hàng được nhiều bạn trẻ cá tính lựa chọn. Chủ một cửa hàng “si” trên đường phố này, cho biết: “Từ giữa tháng 12, hàng về không kịp bán, mỗi tuần tôi đều phải lên TP.HCM lấy hàng nếu không sẽ bán không kịp người mua”.

anh1

Những shop bày bán quần áo sida nhan nhãn trên các tuyến đường Buôn Ma Thuột

Loại hàng này cũng có nhiều mẫu mã chủng loại khác nhau. Nếu là hàng xịn, các chủ của hàng treo trên mắc rất cẩn thận, còn hàng “dởm” không hợp thời thì được để nằm la liệt dưới mặt đất khách hàng có thể mặc sức lựa chọn.

Tuy mang tiếng là hàng “si” nhưng không phải mặt hàng nào giá cũng rẻ. Với các đồ hàng hiệu như: quần áo CK, Kenvis, Lacoste, túi xách Levis, Gucci, Chanel… nếu là hàng còn mới được bán tới vài trăm ngàn. Đầm, váy, áo cũ hơn có món chỉ 50.000đ – 70.000đ/cái, quần jeans: 100.000đ – 150.000đ/cái, thậm chí rẻ hơn, nhưng nếu may mắn, khách vẫn chọn được đồ tốt.

Tuy nhiên, thực chất hàng không có giá chuẩn, người bán thường nhìn mặt khách báo giá. Thấy tôi lơ ngơ, nhân viên cửa hàng M.T “phán”: “Anh không quen xài hàng này thì khó chọn lắm!”. Anh bạn đi cùng là khách quen nên được “ưu ái” thử đi lại nhiều lần. Khi thử xong, tôi đưa một chiếc quần jeans đã bạc màu lên hỏi thì được được nhân viên “chém gió”: “Cái đó hàng hiệu 5 trăm”. Nghe giá trên trời dưới đất, tôi chỉ biết lẳng lặng ra về.

Mặc dù đã có kinh nghiệm “săn” hàng “si”, nhưng chị Q. cho biết, đã nhiều lần mua lầm những chiếc quần, áo bị dính màu, giặt thuốc tẩy cũng không hết. Nhưng để mua được đúng hàng “xịn” phải chịu khó lùng và chấp nhận hên, xui. Vì nhiều người không rành hàng nên không để ý đến chất liệu vải, rất dễ bị các cửa hàng qua mặt bằng cách trộn hàng mới nhưng chất liệu vải thường, đường may không sắc sảo.

Điều đáng nói, mặt hàng đồ tắm, đồ lót “si” được khách hàng nữ chọn lựa nhiều, nhưng hầu như phần lớn chị em chỉ để ý đến kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, kích cỡ mà ít ai quan tâm liệu chủ nhân trước của những món đồ này có mắc bệnh gì, hàng có được khử trùng, mặc bó sát vào da có nguy cơ nhiễm bệnh hay không?

Mặc đồ “si” dễ đi bệnh viện

Hiện nay trên thị trường có nhiều hàng được bán trôi nổi có khi giá rất rẻ, nhưng mặc đồ này rất dễ mắc các loại bệnh ngoài da và chứa đầy nguy cơ truyền nhiễm. Đa số khách hàng mua đồ “si” đều suy nghĩ đơn giản: mua hàng về, cho vào máy giặt, ngâm nước xả vải thơm tho là có thể vận lên người.

Đáng e ngại nhất là một số siêu vi khuẩn ở dạng tiềm ẩn có thể tồn tại lâu ngày trên vật dụng, bao gồm siêu vi gây bệnh mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Nhiều trường hợp người mua quần áo “si” đã phát hiện có vết máu trên vải. Điều đó chứng tỏ, đồ “si” hoàn toàn không được xử lý”.

Hầu hết các loại quần áo sida đều đã bị ngả màu, có nhiều vết ố loang lổ, dúm dó, vải giãn ra…nên người mua phải bới trong đống đồ cũ để chọn cho mình áo quần phù hợp. Nhiều người cùng làm như vậy khiến những đống đồ sida càng thêm mất giá và tiềm ẩn mối nguy hại cho cả những ai thò tay chọn đồ cho dù người ấy không mua.

anh3

Hám đồ rẻ, nhiều người phải nhập viện

Nguy cơ lây bệnh ghẻ và nhiều loại bệnh ngoài da khi vận đồ “si” là rất cao. Riêng nhóm nguyên nhân gây bệnh qua da như nấm có thể tồn tại rất lâu, từ năm này sang năm khác. Do đó, một người bị nấm, sau đó thải quần áo ra mà không được giặt giũ, phơi nắng hoặc ủi…, người mặc sau đó có nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh như nấm bẹn, nấm thân, lang ben, nấm đồng tiền…

Quần áo lót second-hand nguy hiểm hơn các loại quần áo khác vì mặc sát thân người và che ở những vùng kín, không có ánh sáng, ẩm ướt… Vì thế, nếu mua quần áo kiểu này có nguy cơ lây bệnh cao vì các loại ký sinh có thể trực tiếp tấn công đến ngay vùng kín.

Nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi vận đồ lên người. Chị N.T.D kể lại: “Hôm trước đi phố ghé đường “si” hỏi vài bộ đồ thấy giá hợp lý mình mua 2 bộ về mặc. Vừa vận lên được 2 ngày thì toàn thân ngứa ngáy, liền đi tắm nhưng cũng không hết ngứa. Đi bệnh viện khám thì bác sĩ nói mắc bệnh ngoài da, từ nay cạch đồ loại này nếu không mình sẽ đi bệnh viện thêm lần nữa”.

Những thượng đế ham rẻ, mê đồ sau những chuyến hạ cánh đến cửa hàng “si” mua vài bộ đồ vận lên thì thấy đẹp nhưng chỉ 1, 2 ngày sau thấy “tác dụng” của đồ đem lại liền tá hỏa cầu cứu đến bác sĩ. Lúc này họ chỉ còn biết tự trách mình vì ham hàng “si” mà phải đi bệnh viện.

Quần áo sida là tên gọi của một số mặt hàng quần áo cũ được bày bán ở thị trường Việt Nam, bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1980. Nguồn gốc của những mặt hàng này là các thùng quần áo cũ do Tổ chức SIDA của Thụy Điển viện trợ. Vì thế chúng còn có các tên gọi đồ sida, hàng sida, đồ thùng, hàng thùng. Việc chữ “Sida” trùng với tên gọi căn bệnh SIDA/AIDS chỉ là ngẫu nhiên.

Vào cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, tổ chức SIDA của Thụy Điển có những chương trình viện trợ cho Việt Nam. Một trong những hành động đó là việc quyên góp các quần áo cũ của người dân. Những quần áo này được giặt giũ, làm sạch rồi đóng thùng gửi tới Việt Nam. Một số thùng quần áo này trở thành mặt hàng bày bán ngoài thị trường. Chúng thường được những người kinh doanh bán tại vỉa hè hay trong những cửa hàng nhỏ. Một số bộ quần áo chất lượng còn tốt và giá cả thấp, hấp dẫn người mua, đặc biệt trong giới trẻ.

Nguồn Infonet