Đường dẫn vào cầu bị sập, người dân phải bắc cầu khỉ

Cơn bão số 12 đầu tháng 11-2017 làm sập đoạn đường dẫn đầu cầu Đắk Liêng (buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) gây nhiều khó khăn trong đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương.

Cầu Đắk Liêng bắc qua suối Đắk Liêng do Ngân hàng phát triển Châu Á và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam tài trợ nằm trong khuôn khổ dự án Phát triển Lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH) tỉnh Đắk Lắk, có chiều dài 31 mét, rộng 3,5 mét được xây dựng bằng bê tông cốt thép, đưa vào sử dụng năm 2014. Đây là công trình giao thông huyết mạch nối trung tâm xã đến vùng sản xuất rộng hơn 70 ha trồng lúa, cà phê, điều… của người dân buôn Pai Ar và các buôn lân cận. Hằng ngày, có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại, đặc biệt vào mùa thu hoạch nông sản lên đến hàng nghìn lượt. Tuy nhiên, nay đoạn đường dẫn đầu cầu bị sập khiến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

dak-lak-duong-dan-vao-cau-bi-sap-nguoi-dan-phai-bac-cau-khi

Cầu Đắk Liêng bị sập đường dẫn đầu cầu.

Theo quan sát, đoạn đường dẫn đầu cầu bị sập tạo ra một lỗ hổng sâu 6,7 mét, dài gần 10 mét, trơ lại lan can cầu bị cong queo, người dân không thể lưu thông qua được. Để hạn chế những thiệt hại không đáng có về người, phía chính quyền địa phương đã dùng tre rào lại và thông báo cho người dân không đi qua đây mà đi vòng đường khác, cách đó khoảng 3 – 5 km. Tuy nhiên, chỉ khi vào vụ thu hoạch cần phải chở khối lượng nông sản lớn người dân mới thuê xe cày đi vòng còn hầu hết người dân vẫn muốn đi tắt để tiết kiệm thời gian. Do đó, người dân địa phương đã kiến nghị lên xã bắc tạm vài ván gỗ qua chỗ sập để đi tạm trong lúc cầu chưa được sửa chữa, nhưng không được UBND xã đồng ý do tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Không còn cách nào khác người dân hai bên cầu đã dùng tre để làm tạm một cây “cầu khỉ” để đi qua.

Ông Y Than Long Dưng, một người dân ở gần cầu Đắk Liêng (buôn Pai Ar) cho biết, mỗi lần qua “cầu khỉ” là một nỗi ám ảnh, do cầu chỉ là những thân tre nên khi đi qua, cầu rung lắc mạnh các thân tre trĩu xuống trong khi ở dưới suối toàn đá nhọn… chỉ cần sẩy chân là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Biết vậy, nhưng hằng ngày ông Y Than vẫn phải qua đây ít nhất 2 lần, do gia đình ông không chỉ làm hơn 1 ha rẫy mà còn nuôi thêm 5 con bò thường chăn thả bên kia suối. Từ ngày cầu hỏng, ông phải gửi lại bò tại nhà người quen ở lại trông rẫy ở bên kia suối, buổi sáng ông đi sang mang theo thức ăn cho đàn bò, trưa hoặc chiều về lại nhà bên này chứ không đưa bò về nhà như trước đây.

dak-lak-duong-dan-vao-cau-bi-sap-nguoi-dan-phai-bac-cau-khi

Cây cầu khỉ được làm bằng tre bắc qua suối đá tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Được biết, UBND xã đã làm tờ trình lên UBND huyện và các phòng ban liên quan xem xét để hỗ trợ kinh phí sửa chữa lại cầu nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm. Do vậy, người dân hy vọng các cơ quan chức năng quan tâm đầu tư sửa chữa cầu để việc giao thông đi lại của bà con được thuận lợi hơn.