Giá cà phê Đắk Lắk tăng lên 37 triệu đồng/tấn

Hôm nay (21/6), giá cà phê nhân xô Đắk Lắk, sau khi giảm nhẹ trong phiên đầu tuần, tăng 400.000 đồng/tấn lên 37 triệu đồng/tấn.

>> Xem giá cà phê hôm nay cập nhật

gia-ca-phe

Giá cà phê Robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB hôm nay tăng 42 USD từ 1.615 USD/tấn cuối tuần trước lên 1.657 USD/tấn.

Giá cà phê Robusta trên thị trường ICE Futures Europe và giá Arabica trên sàn ICE New York diễn biến trái chiều.

Thị trường London: Trên sàn ICE Futures Europe, nối tiếp phiên cuối tuần trước, giá cà phê Robusta các kỳ hạn tiếp tục tăng 12-20 USD/tấn, ghi nhận phiên thứ 3 tăng liên tiếp.

  • Kỳ hạn giao tháng 7/2016 giá tăng 14 USD/tấn lên 1.659 USD/tấn;
  • Kỳ hạn giao tháng 9/2016 giá tăng 13 USD/tấn lên 1.687 USD/tấn;
  • Kỳ hạn giao tháng 11/2016 giá tăng 12 USD/tấn lên 1.703 USD/tấn;
  • Kỳ hạn giao tháng 1/2017 giá tăng 20 USD/tấn lên 1.723 USD/tấn.

Thị trường New York: Trái với diễn biến của sàn London, giá cà phê Arabica các kỳ hạn trên sàn ICE New York đảo chiều giảm 1,1-1,4 cent/pound.

  • Kỳ hạn giao tháng 7/2016 giá giảm 1,1 cent/pound xuống 139,65 cent/pound;
  • Kỳ hạn giao tháng 9/2016 giá giảm 1,25 cent/pound xuống 141,6 cent/pound;
  • Kỳ hạn giao tháng 9/2016 giá giảm 1,25 cent/pound xuống 144,1 cent/pound;
  • Kỳ hạn giao tháng 11/2016 giá giảm 1,4 cent/pound xuống 146,3 cent/pound.

Nguồn cung cà phê toàn cầu niên vụ 2016-2017 được dự đoán thắt chặt do nguồn cung Robusta giảm khi sản lượng của Brazil thấp nhất 7 năm qua, bất chấp sản lượng Arabica tăng.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong ước tính đầu tiên về thị trường cà phê niên vụ 2016-2017 dự báo, lượng cà phê lưu kho toàn cầu sẽ giảm năm thứ 2 liên tiếp, khi giảm 3,9 triệu bao, xuống 31,5 triệu bao, thấp nhất kể từ niên vụ 2011-2012.

Dự đoán lượng cà phê lưu kho giảm được đưa ra bất chấp triển vọng sản lượng Arabica toàn cầu niên vụ 2016-2017 được kỷ lục, tăng thêm gần 7,8 triệu bao lên 94,1 triệu bao.

USDA dự báo sản lượng cà phê Arabica của Brazil niên vụ 2016-2017 tăng 7,8 triệu bao lên 43,9 triệu bao nhờ năng suất tăng.

Trong khi đó, sản lượng Robusta toàn cầu ước tính giảm 5,4 triệu bao xuống thấp nhất 5 năm ở 61,6 triệu bao do sản lượng tại 5 nước sản xuất hàng đầu – Việt Nam, Brazil, Indonesia, Ấn Độ và Uganda – đều giảm.

USDA dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam giảm 2 triệu bao xuống 27,3 triệu bao do thời tiết khô hạn từ tháng 1 đến tháng 4 ảnh hưởng xấu đến năng suất.

Trong khi đó, sản lượng Robusta của Brazil được dự báo giảm 1,2 triệu bao xuống thấp nhất 7 năm ở 12,1 triệu bao do nhiệt độ cao hơn bình thường và đợt khô hạn kéo dài tại Espirito Santo – bang trồng Robusta chủ chốt của Brazil.

Sản lượng cà phê của Indonesia – nước sản xuất Robusta lớn thứ 3 thế giới – ước giảm 1,8 triệu bao xuống 10 triệu bao do khô hạn nghiêm trọng. “Thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng xấu đến giai đoạn ra hoa và chín của quả cà phê tại Sumatra và Java – cung cấp khoảng 75% sản lượng cà phê của Indonesia”.

Không chỉ nguồn cung giảm, xuất khẩu cà phê toàn cầu cũng giảm 3 triệu bao xuống 109,9 triệu bao, chủ yếu do xuất khẩu của Việt Nam, Indonesia và Brazil đều giảm, dẫn đầu là mức giảm của Indonesia, giảm 1,9 triệu bao xuống 6,1 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê của Brazil sẽ giảm năm thứ 2 liên tiếp, giảm 720.000 bao xuống 32 triệu bao, trong khi lượng cà phê lưu kho của Việt Nam giảm xuống còn 3,5 triệu bao.

>> Xem giá cà phê hôm nay cập nhật