Giá cà phê kỳ hạn vẫn tăng, tại sao giá cà phê xuất khẩu lại giảm?

Giá cà phê kỳ hạn trên các sàn giao dịch thế giới vẫn tăng, trong khi đó giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam lại biến động theo xu hướng giảm suốt tuần qua.

Giá cà phê xuất khẩu xuống nhanh

Giá cà phê Tây Nguyên vừa trải qua một tuần đầy biến động. Sau nhiều phiên tăng giảm thất thường, kết thúc tuần giao dịch, giá cà phê Robusta giao tại cảng TPHCM giá FOB giảm 37 USD từ 2.051 USD/tấn xuống còn 2.014 USD/tấn.

Giá cà phê cuối vụ trải qua một tuần đầy biến động.
Giá cà phê cuối vụ trải qua một tuần đầy biến động.

Theo một số nguồn tin, hiện nay, tranh thủ giá cà phê kỳ hạn tăng nhanh nên nhiều người mua đã kéo giãn giá “trừ lùi” (chênh lệch âm giữa giá niêm yết và giá giao qua lan can tàu). Cụ thể, nếu như chỉ cách đây vài tháng, giá xuất khẩu loại 2,5% đen bể được hỏi mua mức trừ 30 đô la/tấn, thì cách nay hai tuần người bán đã chấp nhận giá trừ 60 đô la/tấn và trong tuần qua, thậm chí có tin đồn đã có hợp đồng ký mức trừ 90 đô la/tấn.

“Không ngờ tốc độ rơi của giá xuất khẩu tính trên giá trừ lùi nhanh đến vậy,” một chuyên gia ngành hàng nóng ruột lên tiếng. Không biết đã dừng ở đó chưa chứ còn nghe rằng nhiều người mua đang trả mức trừ 100 đô la/tấn FOB.

Hiện tượng giá xuất khẩu dựa trên mức trừ lùi giảm nhanh và mạnh trong mấy ngày qua có thể nói được rằng đã có sức ép bán ra khá mạnh từ phía các nhà xuất khẩu.

Việc mua bán “trừ lùi” nhiều sẽ khiến sức ép bán ra mạnh, mức chênh lệch này càng giảm sâu. Nhưng do hợp đồng chốt giá sau, nên sản lượng cà phê mua bán chưa được giao dịch lên sàn ngay, nhờ vậy giá niêm yết ít chịu ảnh hưởng. Với chiêu này, người bán cứ ngỡ giá sẽ còn tăng, thế là dịp cho người mua kéo giãn giá “trừ lùi” để mua rẻ hơn.
Giá cà phê kỳ hạn vẫn tăng

Ngược lại với thị trường trong nước, thị trường cà phê thế giới lại thoát khỏi xu hướng giảm giá và thậm chí đã có phiên tăng lên mức cao nhất trong một tháng do giới đầu tư lo ngại về nguồn cung hạn hẹp tại nước sản xuất và xuất khẩu càphê hàng đầu thế giới Brazil.

Trong khi đó, giá cà phê kỳ hạn vẫn liên tục tăng, có phiên tăng lên mức cao nhất 1 tháng qua.
Trong khi đó, giá cà phê kỳ hạn vẫn liên tục tăng, có phiên tăng lên mức cao nhất 1 tháng qua.

Khép lại phiên giao dịch cuối tuần 5/9, giá càphê robusta giao tháng 11 tại thị trường Anh tăng từ mức 2.049 USD/tấn của phiên 29/8 lên 2.086 USD/tấn.Trong mấy ngày qua, giá sàn kỳ hạn robusta Ice Liffe bung lên rất mạnh ngay trong dịp nghỉ lễ, với đỉnh điểm hôm 2-9 đóng cửa lên mức 2.112 đô la Mỹ/tấn, vượt qua mức cao nhất của tháng trước là 2093 đô la/tấn lập vào ngày 1-8. Tiếp sau đó là những đợt chao đảo khá mạnh, khi thì âm 50 đô la, lúc thì tăng lại 30 đô la/tấn…để rồi đóng cửa phiên thứ Sáu 5-9 tức rạng sáng thứ Bảy 6-9 chốt mức 2.079 đô la/tấn, tăng 24 đô la/tấn so với cuối tuần trước nhưng lại giảm 33 đô la/tấn so với mức đỉnh của ngày 2-9.

Theo các nhà phân tích của Commerzbank, qua những báo cáo liên tục thời gian gần đây, có khả năng sản lượng càphê tại Brazil sẽ thiếu hụt khoảng 30% trong năm nay.

Nông dân vẫn thua thiệt

Tháng Chín là tháng cuối cùng của niên vụ. “Giá sàn London tăng nhưng nông dân chúng tôi chẳng hưởng được gì”, chị Liên, một nông dân tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm đồng nói vậy. “Mấy ai còn hàng đến tận thời điểm cuối vụ? Hơn nữa, giá kỳ hạn lên cao nhưng giá mua tại thị trường nội địa có ai trả cao cho mình đâu!”, chị than thở.

Giá cà phê: Nghịch lý giá ngoài nước tăng, trong nước giảm.
Giá cà phê: Nghịch lý giá ngoài nước tăng, trong nước giảm.

Thật vậy, tháng trước, khi giá kỳ hạn đùng đùng lên 2.093 đô la/tấn, giá nội địa có khi đã chạm được mức 42 triệu đồng/tấn. Nhưng nay, cuối vụ, ít hàng hơn, khi giá lên đỉnh 2.112 đô la/tấn, cao hơn trước mà giá nội địa chỉ đạt mức tối đa 41,5 triệu đồng/tấn. Nhưng, chẳng mấy ai bán kịp giá này vì ngay sau đó giá xuống lại ngay 40,5 triệu đồng/tấn do giá kỳ hạn mất 50 đô la/tấn vào ngày hôm sau, chị Liên nói rành rọt.

Có thể bạn quan tâm: