Gia Lai: “Giải độc” cho cây hồ tiêu bằng các chế phẩm sinh học.

Thực hiện chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và nâng cao năng suất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông- Lâm nghiệp Gia Lai (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Tây Nguyên) thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện có diện tích tiêu phát triển mạnh như Chư Pưh, Đức Cơ… xây dựng nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để người dân mạnh dạn áp dụng vào vườn tiêu nhà mình thông qua việc sử dụng các chế phẩm sinh học.

tim-cach-phong-benh-cho-tieu

Tại huyện Đức Cơ, mô hình được triển khai tại xã Ia Nan và thị trấn Chư Ty, huyện Chư Pưh là thị trấn Nhơn Hòa và xã Ia Hrú. Những chế phẩm sinh học được áp dụng gồm: Trichoderma, trichomix đậm đặc, phân vi sinh N1… Bên cạnh đó, chương trình ICM cũng được đưa vào cây tiêu, kết hợp các loại thuốc vừa tưới vừa phun đã hạn chế phần nào tình trạng tiêu chết hàng loạt.

Đặc biệt, lần đầu tiên Trung tâm đưa cây lạc dại vào trồng trong các vườn tiêu nhằm hạn chế cỏ mọc, sự bốc hơi của nước, cung cấp dinh dưỡng cho tiêu…, giảm thoái hóa đất. Không những vậy, chế phẩm trichoderma đã làm giảm và ngăn chặn tác hại của các tuyến trùng, sự bội nhiễm của các loại nấm hại rễ, bệnh chết nhanh chết chậm cao hơn so với việc sử dụng các loại phân hóa học và hóa chất.

Ông Nguyễn Tấn Minh- ở làng Taucho, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh cho biết: “Nhà tôi có 2.500 trụ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh. Trước đây, cây tiêu bị chết nhiều do các loại bệnh vàng lá chết chậm, thán thư, rệp hại rễ… Nhưng năm nay khi gia đình mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật do cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông- Lâm nghiệp Gia Lai hướng dẫn, thông qua việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học khác nhau đã hạn chế được tình trạng tiêu chết và rụng lá. Trong khi nhiều vườn tiêu trên địa bàn huyện bị chết nhiều thì vườn tiêu của gia đình sinh trưởng bình thường, đang trong giai đoạn nuôi quả non”.

Nói về các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất hồ tiêu, ông Võ Như Phúc- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông- Lâm nghiệp Gia Lai cho biết: Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người trồng tiêu trên địa bàn Gia Lai được Trung tâm thực hiện một số mô hình tại các huyện Đức Cơ, Chư Pưh… phần nào giúp người trồng tiêu nhận thức được việc chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phát hiện phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại… Đặc biệt, việc sử dụng các chế phẩm sinh học hợp lý để không bị thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng giúp cây tiêu cho năng suất cao. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hộ áp dụng để hạn chế thiệt hại.

Trong giai đoạn hiện nay, khi giá tiêu trên thị trường ở mức cao, tiêu là cây trồng chủ lực thì việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật là biện pháp quan trọng hàng đầu để bảo vệ và phát triển hồ tiêu một cách bền vững.

Nguồn Báo Gia Lai điện tử