Giành quyền mua cà phê bằng chính sách? Trung Chánh

Từ ngày 7-6 tới, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ mất quyền thu mua cà phê trực tiếp từ nông dân, kể cả tổ chức các mạng lưới thu mua, thay vào đó, doanh nghiệp trong nước sẽ được toàn quyền. Tuy nhiên, điều đó liệu có giúp ngành cà phê Việt Nam vươn lên?

04b9e_gianh_quyen_mua_ca_phe_bang_chinh_sach

Bảo hộ doanh nghiệp, hại nông dân?

Theo Thông tư số 08/2013/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, quy định cụ thể về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, thì cà phê là mặt hàng được doanh nghiệp FDI thu mua với tỷ lệ lớn trong vài năm gần đây ở Việt Nam (đến 60-70% tổng sản lượng cà phê Việt Nam là trên 1,3 triệu tấn).

Khoản 4 điều 3 thông tư này quy định: “Doanh nghiệp FDI đã được cấp phép quyền xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền nhập khẩu, quyền phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu; không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm việc mở địa điểm để mua gom hàng hóa xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”.

Trao đổi với TBKTSG xung quanh thông tư trên, ThS. Đào Lộc Bình, Công ty Luật Lê Hoàng (thành phố Cần Thơ), cho biết pháp luật Việt Nam không có quy định cấm doanh nghiệp FDI trực tiếp mua hàng hóa, nông sản của nông dân Việt Nam để sản xuất, chế biến rồi xuất khẩu mà chỉ quy định hạn chế đối với trường hợp các doanh nghiệp FDI trực tiếp mua hàng hóa để xuất khẩu mà không qua chế biến (trừ những trường hợp mà Việt Nam có cam kết trong các điều ước quốc tế song phương hay cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). “Do đó, quy định tại thông tư trên là phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và lộ trình cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO”, ông Bình khẳng định.

Theo ông Bình, đây là một quy định nhằm bảo hộ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu. “Tuy nhiên, chắc chắn có ảnh hưởng nhất định đối với nông dân bởi vì nếu được trực tiếp bán hàng hóa cho các doanh nghiệp FDI thì giá cả sẽ cao hơn, nông dân sẽ có lợi hơn so với khi phải bán hàng hóa thông qua trung gian là doanh nghiệp trong nước”, ông Bình cho biết.

Ông Phạm Ngọc Bằng, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Chế biến cà phê xuất khẩu DAKMAN (Daklak), cũng khẳng định: “Nông dân sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình tiêu thụ sẽ có nhiều thay đổi nếu thông tư này được áp dụng”.

Cái nhìn thiển cận

Những ai quan tâm đến ngành cà phê đều biết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI trong vài ba năm gần đây luôn “đá” nhau cũng vì chuyện tranh mua, tranh bán cà phê. Có phải vì lý do này mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định trên nhằm bảo hộ doanh nghiệp trong nước? Đó là một câu hỏi chưa có lời đáp, tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành cà phê cho rằng nếu vậy thì quyết định này thể hiện một cái nhìn “thiển cận” của các nhà hoạch định chính sách.

Theo chuyên gia này, nguyên nhân gây nên đổ vỡ của doanh nghiệp cà phê trong nước không nằm ở vấn đề tranh mua, tranh bán với doanh nghiệp FDI mà do việc kinh doanh của họ tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, doanh nghiệp chỉ biết thu mua mà không biết giá lên lúc nào, xuống lúc nào. Ông nói: “Ai có trình độ quản lý rủi ro tốt, người đó sẽ sống, tồn tại lâu và nông dân sẽ gắn bó với doanh nghiệp đó, chứ không nhất thiết giá mua quyết định tất cả”, ông nói.

Chuyên gia này cho biết: “Doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước đang hiểu sai về chuỗi cung ứng. Vì cà phê Việt Nam chủ yếu là cà phê giá rẻ, cà phê phối trộn. Nghĩa là, phân khúc thị trường của cà phê Việt Nam hiện giống hàng may mặc bán ở chợ vậy, bán được bao nhiêu thì bán, không có những thương hiệu mạnh, thương hiệu quốc tế. Chính vì vậy, nếu không cho doanh nghiệp FDI mua cà phê trực tiếp từ nông dân hoặc tổ chức các mạng lưới mua gom, trước mắt một số doanh nghiệp FDI sẽ rời bỏ thị trường cà phê Việt Nam, chạy sang một số quốc gia khác”.

Việt Nam chủ yếu sản xuất cà phê Robusta, loại cà phê khá phổ biến trên thế giới (cà phê Robusta chiếm 60 triệu bao trên tổng số 145 triệu bao cà phê các loại). “Chính vì vậy, Việt Nam cần đầu ra từ mọi phía bởi thị trường nội địa không tiêu thụ hết”, vị chuyên gia này cho biết, và nhấn mạnh rằng nếu thông tư trên được áp dụng, đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm cà phê sẽ giảm ít nhất 50% so với hiện nay; và thị trường xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng.