Giáo viên Đắk Lắk: Tù mù biên chế – hợp đồng

Dù quyết định của UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk ghi rõ hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế nhưng nhiều giáo viên đang đứng trước nguy cơ mất việc vì không còn biên chế.

Rất nhiều giáo viên được chủ tịch UBND huyện Krông Pắk ra hàng loạt quyết định về việc ký hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế, nhận công tác tại một số đơn vị để chờ đợt thi tuyển viên chức. Tuy nhiên, dù chưa chính thức chấm dứt hợp đồng, nhiều giáo viên, nhân viên trường học phải nghỉ ở nhà vì nhà trường không đủ kinh phí trả lương.

Còn hợp đồng nhưng không có lương

Theo phản ánh của cô Nguyễn Thị Bình (SN 1988; giáo viên Trường THCS Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), tháng 6-2012, cô được ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk lúc đó), ra quyết định về việc ký hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế.

Nội dung quyết định này nêu rõ: Giao cho hiệu trưởng chịu trách nhiệm ký hợp đồng, bố trí giảng dạy theo chuyên môn kể từ ngày nhận công tác tại đơn vị (chờ xét tuyển, nếu trúng tuyển thì tuyển dụng mới, nếu không trúng tuyển thì chấm dứt hợp đồng). Kinh phí chi trả lương từ nguồn ngân sách nhà nước giao trong chỉ tiêu biên chế.

Cô Bình cho biết trong đợt nghỉ hè năm 2017, ông Nguyễn Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Kly, đưa ra lý do nhà trường không đủ ngân sách để chi trả nên cắt lương của giáo viên hợp đồng. Việc trả lương được thực hiện theo tiết dạy cụ thể nên cô không đồng ý. Từ đó, nhà trường không bố trí cho cô Bình giảng dạy.

“Rõ ràng tôi thuộc diện hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế, kinh phí chi trả lương từ nguồn ngân sách nên tôi không chấp nhận việc hưởng lương theo tiết dạy. Từ tháng 6-2017 đến nay, nhà trường đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, không trả lương cho tôi” – cô Bình cho biết.

Cô Nguyễn Thị Thanh Diệu, giáo viên Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk), cũng được ông Nguyễn Sỹ Kỷ ra quyết định cùng thời điểm với cô Bình. “Rõ ràng, quyết định hợp đồng của tôi trong chỉ tiêu biên chế mà giờ huyện nói không còn chỉ tiêu, hóa ra họ lừa chúng tôi sao?” – cô Diệu bức xúc.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trung Hiếu, khẳng định: “Nhà trường không có thẩm quyền chấm dứt hợp đồng mà thẩm quyền thuộc huyện, chỉ biết chờ huyện đưa ra hướng xử lý. Thời gian qua, cô Bình nhiều lần yêu cầu nhà trường phải trả đúng số tiền như trước đây theo diện hợp đồng biên chế nhưng kinh phí cấp về cho nhà trường không đủ trả như cô yêu cầu. Dù cô Bình không đi dạy nhưng nhà trường vẫn đóng bảo hiểm đầy đủ cho cô trong thời gian qua”. Theo ông Hiếu, hiện trường có 6 giáo viên cũng rơi vào trường hợp của cô Bình, trong đó có tới 3 giáo viên tiếng Anh dù trường chỉ 12 lớp.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện huyện Krông Pắk có hàng trăm hợp đồng dạng trong chỉ tiêu biên chế nhưng thực tế thì không còn biên chế!

giao-vien-dak-lak-tu-mu-bien-che-hop-dong

Chị Huỳnh Thị Hà bức xúc vì bị chấm dứt hợp đồng nhưng không được giải quyết các chế độ theo quy định

Dôi dư 80 nhân viên trường học

Ngoài việc dôi dư gần 600 giáo viên hợp đồng, huyện Krông Pắk cũng ký hợp đồng thừa khoảng 80 nhân viên trường học khiến nhiều người bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Chị Huỳnh Thị Hà, nhân viên thiết bị trường học tại Trường Tiểu học Phan Bội Châu, cho biết vào đầu năm 2008, chị được ký quyết định hợp đồng lao động ngắn hạn chờ thi viên chức. Tháng 5-2008, UBND huyện Krông Pắk có quyết định về việc ký hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế với chị. Sau đó, chị Hà tham gia kỳ thi vào biên chế nhưng không đậu. Tuy nhiên, do trường không có nhân viên thiết bị trường học nên đến tháng 4-2016, chị tiếp tục được UBND huyện Krông Pắk ra quyết định ký hợp đồng lao động chờ thi tuyển viên chức.

Đến tháng 8-2016, chị Hà nghỉ thai sản và đến tháng 1-2017, nhà trường thông báo chấm dứt hợp đồng. “Nhà trường chấm dứt hợp đồng nhưng không thông báo cho tôi, không thực hiện các chế độ dành cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng là điều không thể chấp nhận được. Chưa kể, theo quyết định của UBND huyện thì thời hạn hợp đồng từ lúc ký đến lúc thi tuyển viên chức nhưng chưa thi tuyển mà họ đã đơn phương chấm dứt hợp đồng” – chị Hà băn khoăn.

Bà Hồ Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Bội Châu, giải thích chị Hà được UBND huyện Krông Pắk ra quyết định về việc ký hợp đồng vào tháng 4-2016 để chờ kỳ thi biên chế. Đến tháng 12-2016, huyện Krông Pắk thông báo chấm dứt hợp đồng với những giáo viên, nhân viên hợp đồng nhưng không thi đậu trong kỳ thi biên chế trước đó và cả quyết định mới được ký.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc quyết định hợp đồng lao động trong năm 2016 của UBND huyện Krông Pắk có nội dung “chờ thi viên chức” nhưng từ năm 2016 đến nay, huyện chưa tổ chức kỳ thi nào mà giáo viên vẫn bị chấm dứt hợp đồng, bà Nhàn nói: “Tôi làm theo đúng chỉ đạo của UBND huyện thôi!”.

Thừa cán bộ quản lý

Theo kết luận đầu năm 2018 của Thanh tra Chính phủ, trong 4 năm (2013-2016), UBND huyện Krông Pắk đã bổ nhiệm thừa theo quy định 32 cán bộ quản lý tại các trường học. Ngoài ra, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cũng bổ nhiệm 2 trường hợp là hiệu trưởng các trường không đủ độ tuổi để bảo đảm nhiệm kỳ 5 năm theo quy định. Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk bổ nhiệm 1 trường hợp quá tuổi; 1 trường hợp khi bổ nhiệm chưa phải là viên chức theo quy định.