Giáo viên nói gì khi bị truy thu hàng tỷ đồng tiền chế độ chi sai?

Phát hiện nhiều trường học chi sai tiền chế độ cán bộ vùng sâu, huyện Krông Ana yêu cầu giáo viên phải trả lại hàng tỷ đồng chỉ trong vòng 30 ngày. Việc này đã đẩy nhiều người vào tình thế khó khi không ít người bổng trở thành “con nợ” với số tiền “khủng” hàng trăm triệu đồng.

Thanh tra huyện Krông Ana cho các nhà trường, giáo viên 30 ngày để trả lại hàng tỷ đồng tiền ngân sách đã bị chi sai.

Ngay sau khi Báo Lao Động đăng tải bài viết liên quan đến việc huyện Krông Ana (Đắk Lắk) truy thu hàng tỷ đồng chi sai ngân sách, do vi phạm Nghị định 116/2010/NĐ-CP (NĐ 116) về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC)… công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội (KTXH) đặc biệt khó khăn), nhiều giáo viên ở huyện đã phản hồi nguyện vọng của mình.

Một nhân viên trường THCS trên địa bàn huyện Krông Ana đề nghị giấu tên cho biết, năm 2011, cô được UBND huyện Krông Ana ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế và được phân công làm việc tại khu vực vùng 3 – khu vực được hưởng ngân sách theo NĐ 116.

Từ năm 2014-10.2015, huyện Krông Ana xác định cô thuộc đối tượng của NĐ 116 thế nhưng, từ đó đến nay cô bị cắt các chế độ này.

Vừa qua, cô và nhiều cán bộ, giáo viên nhà trường nhận quyết định yêu cầu truy thu tiền trợ cấp lần đầu với số tiền hàng chục triệu đồng/người.

“Tôi thắc mắc nếu huyện truy thu thì tại sao chỉ truy thu tiền trợ cấp lần đầu, còn tiền thu hút thì không truy thu. Bản thân chúng tôi là cán bộ, giáo viên có hợp đồng lao động, làm việc ở khu vực khó khăn, tại sao lại không được hưởng NĐ 116 mà bị truy thu?” – cô băn khoăn.

Tương tự, cô Lê Thị Y cho biết, trường cô cũng bị yêu cầu thu hồi gần 300 triệu đồng và bản thân cô cũng bị truy thu hơn 100 triệu đồng.

Theo cô Y, “việc “ép” giáo viên trả hết tiền chế độ chi sai trong vòng 1 tháng là đẩy chúng tôi vào thế khó! Như trường tôi cũng chỉ mới nghe thông báo chưa đầy 1 tháng mà bắt nộp lại tiền rồi. Tại sao huyện không có một cách xử lý hợp tình, hợp lý hơn” – cô Y nói.

Nhiều giáo viên cũng bày tỏ, việc chi sai tiền ngân sách theo Nghị định 116 trong thời gian dài là do lỗi của nhà trường và UBND huyện trong việc lập sách sách các đối tượng được hưởng chính sách. Bản thân các giáo viên không hề hay biết mình thuộc đối tượng nào và được hưởng cụ thể các chính sách ra ra sao.

“Ngay từ đầu họ không rà soát, thẩm định hồ sơ các đối tượng được hưởng theo Nghị định 116, để rồi sau 8 năm chi sai, huyện lại ráo riết đòi lại tiền chế độ là chưa phù hợp” – một nhân viên trường học ở huyện Krông Ana bức xúc.

Trước những thắc mắc của giáo viên, trao đổi với Báo Lao Động, ông Đặng Văn Tưởng – Chánh Thanh tra huyện Krông Ana – vẫn khẳng định, trong kết luận Thanh tra của huyện đã nêu rất rõ từng trường hợp được hưởng, trường hợp chi sai theo Nghị định 116.

Còn về thời hạn 30 ngày để các nhà trường nộp lại tiền ngân sách đã chi sai, ông Tưởng cho rằng, Thanh tra huyện đã làm đúng theo quy định của Luật Ngân sách.

Trước đó, Thanh tra huyện Krông Ana phát hiện nhiều trường học trên địa bàn huyện Krông Ana đã để xảy ra thiếu sót và sai phạm trong việc thực hiện các quy định của Nghị định 116.

Cụ thể, từ tháng 3.2011 – 30.7.2018, 11/15 trường học có thiếu sót, sai phạm với 137 trường học chi không đúng theo quy định tại Nghị định 116, tổng số tiền khoảng 4,8 tỉ đồng. Thanh tra huyện Krông Ana kiến nghị có một số trường hợp được miễn truy thu trong tổng số 4,8 tỷ đồng nhưng cũng có trường hợp bị thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước tổng số tiền là hơn 1,5 tỷ đồng. Thời hạn cuối để các trường nộp lại số tiền này là vào ngày 31.12.

>> Đắk Lắk: Bị truy thu tiền phụ cấp, giáo viên khó bề xoay xở