Gỗ rừng sau xử lý: Lãng phí nghiêm trọng do thủ tục nhiêu khê

Chi cục Kiểm lâm Dak Lak cho biết: đến nay cả tỉnh còn tồn khoảng gần 236 m3 gỗ phạm pháp các loại chưa thanh lý được. Hiện phần lớn số gỗ này nằm tại các hạt kiểm lâm và các công ty lâm nghiệp. Do không có điều kiện bảo quản, phó mặc cho mưa nắng nên số gỗ trên đang nứt nẻ, mục nát từng ngày, gây lãng phí nghiêm trọng…

Theo ông Y Rít Byă-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Dak Lak, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo xử lý theo hướng gỗ phạm pháp bị thu giữ ở đâu, thì nơi đó chủ động tổ chức hội đồng thanh lý; sở Tài chính tham mưu cho các hội đồng thanh lý gỗ phạm pháp giải quyết nhanh chóng, phù hợp với thực tế đặt ra. Ông Y Rít cũng cho hay, UBND tỉnh cũng đã có quyết định giảm giá gỗ phạm pháp khi được thanh lý xuống 33% so với trước đây; đồng thời giao cho Trung tâm đấu giá tài sản tỉnh nhanh chóng xúc tiến các phiên giao dịch bán đấu giá tài sản với khách hàng có nhu cầu một cách thường xuyên hơn thông qua hình thức công khai rộng rãi. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện một cách có hiệu quả sự chỉ đạo này, vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ.

images571497_Go_rung_sua_khi_bi_bat

Sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ, số gỗ rừng phải nằm

chờ thanh lý nên thường bị hư hại, mục nát… gây lãng phí.

Theo quy định, gỗ rừng phạm pháp sau xử lý muốn bán thì phải thành lập hội đồng đấu giá. Đến nay, cho dù đã xóa cơ chế phân cấp huyện – tỉnh, nhưng để thành lập được một hội đồng thanh lý gỗ phạm pháp là cả một vấn đề vì phải trải qua nhiều thủ tục nhiêu khê và lòng vòng. Ông Trần Hữu Huy, Hạt phó Hạt Kiểm lâm TP. Buôn Ma Thuột cho rằng: theo quy định trên, muốn “giải phóng” được số gỗ tồn đọng sau xử lý thì phải chờ Hội đồng thanh lý thông qua mới được coi là hợp pháp. Từ trước tới nay, mỗi khi thành lập cho được một Hội đồng thanh lý cũng mất vài tháng, vì phải có thời gian “mời ban nọ, ngành kia” tham gia. Cho nên nỗ lực lắm, một năm chỉ thành lập được một hai hội đồng thanh lý là cùng! Tất nhiên với tiến độ đó thì số lượng gỗ được thanh lý rất chậm, khiến hàng trăm mét khối gỗ phạm pháp không tránh khỏi nguy cơ mục nát, phải vứt bỏ một cách đáng tiếc! Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Trọng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Ea Súp tỏ ra lo ngại: ở một địa bàn được coi là nóng bỏng về tình trạng vi phạm lâm luật, mỗi tháng có thêm hàng chục mét khối gỗ phạm pháp sau xử lý tiếp tục đưa về nằm chờ thanh lý; và nếu cứ “tuân thủ” theo thủ tục trên thì không biết đến bao giờ bài toán “bắt giữ – tập kết về kho bãi – chờ ngày thanh lý” mới có lời giải thỏa đáng. Ông Trọng cho rằng: tỉnh đã có chủ trương xóa bỏ sự phân cấp (tỉnh-huyện), nhưng nếu không có sự thay đổi về cung cách, thủ tục thành lập hội đồng thanh lý gỗ rừng phạm pháp một cách linh hoạt thì cũng không thể giải quyết được yêu cầu đặt ra. Ông Bùi Văn Khang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn cũng có nhận xét rằng: việc phối hợp với các cấp, các ngành để thành lập cho được một hội đồng bán đấu giá gỗ phạm pháp không phải là chuyện dễ, rất mất thời gian và trải qua nhiều thủ tục nhiêu khê, rườm rà. Vì thế, ở huyện Buôn Đôn hằng năm chỉ tổ chức được vài cuộc đấu giá để thanh lý số gỗ phạm pháp với khối lượng rất nhỏ, còn lại phải nằm chờ giữa mưa nắng, dẫn đến tình trạng gỗ bị hư hại, mục nát dần là điều không tránh khỏi. Càng bất cập hơn trong vấn đề này là trường hợp ở huyện Cư M’gar: Gỗ phạm pháp bị bắt về, có nhiều đơn vị, cá nhân xin được mua theo giá quy định Nhà nước, nhưng một mình Hạt Kiểm lâm không thể giải quyết được vì trái với quy định, đành phải để nằm đó, cũ mới ngổn ngang, chồng chất chờ hội đồng thanh lý – Ông Bùi Xuân Khu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cư M’gar lắc đầu tiếc nuối trước một đống tài sản bị hủy hoại dần theo thời gian.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến gỗ phạm pháp không thanh lý được là do mức giá mà Hội đồng thanh lý (cấp huyện, cũng như Trung tâm đấu giá tài sản của tỉnh) đưa ra quá cao, khiến người mua không thể chấp nhận được. Về khía cạnh này, Chi cục Kiểm lâm Dak Lak cho rằng, biết là gỗ đã kém phẩm cấp, nhưng hội đồng thanh lý không thể “xé rào” áp giá khác được mà phải tuân thủ theo giá qui định của Sở tài chính, nên đã không hấp dẫn được khách hàng. Chẳng hạn 1 m3 gỗ hương lậu giá ngoài thị trường chỉ 9-10 triệu đồng, trong khi đó giá Nhà nước đưa ra đối với các hội đồng thanh lý cao hơn rất nhiều. Mặc dù hiện nay, UBND tỉnh đã có chủ trương giảm giá gỗ phạm pháp 33% như đã nói, nhưng cũng không vì thế mà sẽ thu hút người mua nếu như hội đồng thanh lý phải nhất nhất tuân thủ mức định giá của phòng tài chính huyện và thành phố. Bởi trong vấn đề này, cứ hiểu giảm 33% cho từng loại gỗ mà không tính đến chất lượng gỗ đã giảm rất nhiều do bị phơi ngoài mưa nắng quá lâu, thậm chí có lô gỗ chờ xử lý đã 2-3 năm…

Mong rằng các cấp, ngành có hướng cải cách, rút ngắn thời gian và thủ tục trong việc thành lập hội đồng thanh lý; đồng thời vận dụng chủ trương của tỉnh một cách linh hoạt, cơ động hơn để số gỗ phạm pháp tồn đọng được giải quyết nhanh chóng, mang lại giá trị kinh tế thực chất cho địa phương.