Hàng loạt huyện nghèo ở Đắk Lắk “quên” trả chế độ cán bộ vùng sâu

Chính sách phụ cấp thu hút cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của Chính phủ nhằm giúp CBCCVC đặc biệt là các giáo viên ở khu vực vùng khó khăn an tâm công tác, tuy vậy ở Đắk Lắk, nhiều địa phương lại “quên” thực hiện chính sách này.

Giáo viên tại các vùng sâu ở Đắk Lắk hiện còn nhiều khó khăn, các thầy cô mong muốn ngành chức năng sớm giải ngân chi trả tiền chế độ theo Nghị định 116. Ảnh: H.L

Quên “chính sách”, giáo viên kêu trời!

Thầy Nguyễn Văn Tiến (không nêu tên thật – PV) – giáo viên Trường THCS Lê Đình Chinh (xã Ea Rok, huyện Ea Súp) – cho biết, từ năm 2017 đến nay, hơn 50 cán bộ, giáo viên tại trường chưa được nhận hưởng chế độ theo tinh thần Nghị định 116. Mãi đến khi các giáo viên chưa được hưởng tiền chính sách phản ứng thì kế toán nhà trường mới lập hồ sơ gửi lên Phòng GDĐT.

“Việc địa phương chậm chi trả tiền chế độ Nghị định 116 ảnh hưởng đến tâm lý làm việc các giáo viên như chúng tôi. Chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo sớm xem xét, đẩy nhanh các thủ tục để giáo viên được hưởng chế độ theo đúng quy định của Nhà nước” – thầy Tiến nói.

Tương tự, một hiệu trưởng trên địa bàn xã Ea Rok cho biết thêm, số tiền mà các giáo viên trong trường được hưởng theo tinh thần Nghị định 116 đến nay phải lên tới hàng tỉ đồng. Vị hiệu trưởng này cho biết, về phía nhà trường đã lập hồ sơ, gửi Phòng GDĐT huyện từ lâu nhưng đến nay, việc giải ngân tiền chế độ cho các giáo viên chưa được thực hiện.

Theo tìm hiểu, không chỉ ở xã Ea Rok thuộc huyện Ea Súp, các huyện Krông Púk, Krông Pắk trong nhiều năm liền không thực hiện nghiêm túc việc tổng hợp đầy đủ và chi trả kịp thời chế độ chính sách cho hàng trăm CBCCVC theo Nghị định 116.

Điển hình như tại huyện Krông Pắk, sau khi rà soát, UBND tỉnh Đắk Lắk mới phát hiện, nguyên nhân dẫn đến việc không thực hiện chi trả chế độ cho CBCCVC là do địa phương chưa rà soát đầy đủ, không nắm rõ địa bàn quản lý (thôn 2A, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc) thuộc khu vực được hưởng chế độ theo Nghị định 116. Mãi đến khi một đơn vị bộ đội về đóng quân gần đó làm thủ tục hưởng chế độ thì các giáo viên, cán bộ mới biết và có kiến nghị.

Nơi ráo riết chi trả, nơi tiếp tục… chờ

Nếu như tại huyện Krông Puk và Krông Pắk, Sở Tài chính đã tạm ứng gần 30 tỉ đồng để các địa phương chi trả chế độ theo Nghị định 116 cho các CBCCVC vùng sâu thì ở huyện Ea Súp, đến nay vẫn đang rà soát các đối tượng được thụ hưởng.

Ông Nguyễn Văn Đồng – Phó phòng Tài chính Kế hoạch huyện Ea Súp – cho biết, toàn huyện còn khoảng hơn 10 tỉ đồng tiền chế độ Nghị định 116 chưa được chi trả cho các CBCCVC vùng sâu, chủ yếu tập trung tại xã Ea Rok. Ông Đồng cho biết, ở xã Ea Rok mới chỉ có UBND xã là được huyện phê duyệt, còn riêng các đơn vị sự nghiệp khác ở xã chưa có quyết định phê duyệt đối tượng được thụ hưởng.

“Dưới góc độ quản lý nhà nước, Phòng Tài chính Kế hoạch đã lập tờ trình gửi UBND tỉnh về việc các đối tượng được hưởng chế độ theo Nghị định 116. Nguyên nhân của việc chậm chi trả chế độ theo Nghị định 116 thì nhiều nhưng chủ yếu, các đối tượng tại xã Ea Rok do mới được tuyển dụng năm 2017 hoặc do mới phát sinh; cũng có trường hợp một số đối tượng ở khu vực khác đã được chi trả chế độ Nghị định 116 rồi nên chúng tôi vẫn cần tiếp tục rà soát lại một lần nữa” – ông Đồng nói.

Liên quan đến nguyên nhân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk “quên” chế độ đối với cán bộ vùng sâu, ông Bùi Văn Yên – Phó Giám đốc Sở Tài chính Đắk Lắk – cho biết vẫn chưa nắm được từng trường hợp cụ thể tại các huyện. Tuy vậy, ông Yên khẳng định, việc chi trả chế độ theo Nghị định 116 đối với các cán bộ vùng sâu là bắt buộc để đảm bảo quyền lợi của các đối tượng thụ hưởng. “Do các huyện chậm triển khai chứ nguồn ngân sách thì không đáng ngại. UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ làm việc với Trung ương để có nguồn ngân sách chi trả cho các đối tượng được hưởng theo đúng tinh thần Nghị định 116” – ông Yên nói.

Phê bình Chủ tịch huyện “quên” chế độ cán bộ vùng sâu

Liên quan đến việc huyện Krông Pắk nhiều năm không chi trả chế độ theo Nghị định 116 cho các CBCCVC, tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản yêu cầu tổ chức kiểm điểm, phê bình Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk vì không kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công nhân, viên chức trên địa bàn huyện.