Hàng loạt lò than không phép vô tư hoạt động

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) người dân liên tục phản ánh tình trạng lò than hoạt động không phép vẫn không bị xử lý.

Làm ngơ hay khuất tất?

Tại xã Cư Đliêng M’nông, xã Ea Tull, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) vẫn tồn tại các cơ sở đốt than, kinh doanh trái phép khi không được các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh cấp phép. Vậy tại sao các cơ sở này vẫn ngang nhiên tồn tại giữa “thanh thiên bạch nhật” mà không hề bị xử lý, không bị yêu cầu tháo dỡ, di dời? Phải chăng đang có sự “che chở” của một số cơ quan chức năng ở đây? Trong khi trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 100 lò than hoạt động trái phép yêu cầu phá bỏ hoàn toàn.

Lò than trái phép tại huyện Man Đrắk.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Minh – Phó chủ tịch huyện Cư M’gar, cho biết: “Trên địa bàn huyện Cư M’gar có 11 cơ sở đốt than thì riêng xã Cư Đliêng M’nông có tới 5 cơ sở và chỉ có 1 cơ sở có đầy đủ hồ sơ pháp lý, còn lại 4 cơ sở không được cấp phép. Trong năm 2017, huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiến hành nhiều đợt thanh kiểm tra thì phát hiện cơ sở đốt than của ông Lưu Tiến Hiệp tại thôn 5, xã Cư Đliêng M’nông, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, hoạt động không phép. Trong khi đó, cơ sở đốt than của ông Hiệp đã hoạt động được hơn một năm và cách Ủy ban nhân dân xã Cư Đliêng M’nông chưa đầy 500m. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân huyện đã lập biên bản đình chỉ nhưng cơ sở này vẫn hoạt động lén lút trở lại”.

Được biết đầu năm 2017, Ủy ban nhân huyện đánh giá cơ sở này ảnh hưởng môi trường vì nằm trong khu dân cư, nhưng điều đáng nói hơn, cơ sở đốt than này vẫn hoạt động dù đã bị lập biên bản vi phạm, thậm chí còn đang tiến hành xây dựng mới kiên cố, khang trang hơn. Vậy chính quyền xã Cư Đliêng M’nông ở đâu khi ông Hiệp tiến hành xây dựng?

Lò than Mỹ Hiệp hoạt động và xây dựng trái phép, tại Cư M’ gar.

Còn rất nhiều cơ sở khác đang tồn tại và hoạt động trên địa bàn xã Ea Tull, Ea Kiết,… mà người dân phản ảnh thì không hề được nhắc tới hay phát hiện. Phải chăng cán bộ phụ trách thanh, kiểm tra nhưng thiếu trách nhiệm, hay có khuất tất gì đằng sau sự tồn tại của các cơ sở đốt than không phép? Câu hỏi này cần sự trả lời nhất quán của lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar.

Gỗ rừng được tập kết về cơ sở đốt than.

Phần nổi của tảng băng

Trong năm 2017, có thể nói là một năm ngành than củi Đắk Lắk có nhiều ồn ào nhất. Các cơ sở đốt than mọc lên như nấm ở khắp mọi nơi trên địa bàn của tỉnh. Dù được chỉ đạo quyết liệt nhưng ở đâu đó vẫn buông lỏng quản lý. Theo khảo sát thực tế của PV thì hơn 100 lò bị tháo dỡ chỉ là phần nổi của thực trạng. Lướt qua các huyện điểm nóng như: Krông Năng, Krông Ana, M’Đrắk, Lắk, Ea Súp, Krông Búk, Cư M’gar có hàng trăm cơ sở không phép vẫn tồn tại và hoạt động hết công suất.

Lò than trái phép đang hoạt động hết công suất.

Tại huyện M’ Đrắk, cách trung tâm huyện không xa là các lò than không phép của rất nhiều cá nhân, trong đó các cơ sở đốt than của ông Duy xây dựng trái phép tại thôn 2, xã Ea Riêng, huyện Man Đrắk, không chỉ đốt củi cà phê, củi muồng mà còn có rất nhiều gỗ rừng được tập kết tại đây nhưng không hề hấn gì?

Lò than không phép tại xã Ea Kly huyện Krông Pắk.

Theo đó, các cơ sở đốt than phải được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, cấp phép xây dựng. Vậy Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền cấp phép hay không? Đây chính là nguyên nhân của sự bùng phát trở lại của hoạt động đốt than không kiểm soát? Trách nhiệm này thuộc về ai? Đề nghị ban, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk xác minh, làm rõ trách nhiệm của các địa phương được nêu trên để sớm chấm dứt tình trạng hoạt động tràn lan của các cơ sở đốt than trái phép.