Hết lòng vì người bệnh

Là “cửa ngõ” tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho những bệnh nhân nặng, nguy kịch đến tính mạng, những năm qua, các y, bác sĩ khu vực Cấp cứu thuộc khoa Khám bệnh – Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm cứu chữa bệnh nhân.

Khác với những khoa điều trị thông thường, khu vực Cấp cứu của khoa Khám bệnh – Cấp cứu làm việc không có giờ bắt đầu và cũng không có giờ kết thúc. Bệnh nhân vào cấp cứu liên tục không kể giờ giấc nên các y bác sĩ cứ đến ca trực là có mặt chẳng kể đó là ngày nghỉ, ngày lễ hay ngày Tết. Với chức năng tiếp nhận và điều trị mọi trường hợp cấp cứu được chuyển tới viện; đánh giá, phân loại tình trạng bệnh và thực hiện các biện pháp cấp cứu thích hợp; hồi sức cho tất cả các bệnh nhân nặng bị đe dọa tính mạng ở các chuyên khoa khác trong bệnh viện…, mỗi ngày, đội ngũ y bác sĩ ở đây luôn tất bật với công việc, tranh thủ từng giây, từng phút để giành lấy sự sống cho người bệnh. Chỉ với lực lượng gồm 11 bác sĩ và 28 điều dưỡng mà trung bình mỗi ngày khu vực Cấp cứu tiếp nhận khoảng 90 bệnh nhân, con số này cũng đã cho thấy áp lực đè nặng lên vai của mỗi thầy thuốc nơi đây. Ấy là chưa kể những dịp lễ, Tết, bệnh nhân có thể tăng đột biến, có lúc cao điểm lên tới 150-200 bệnh nhân/ngày.

images1112104_IMG_6665
Kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe người bệnh vào điều trị tại khu vực Cấp cứu.

Tất bật công việc chuyên môn, nhưng mỗi y bác sĩ nơi đây luôn hết mình vì người bệnh. Bác sĩ Huỳnh Quý Minh, Trưởng khoa Khám bệnh – Cấp cứu, người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này cho biết: “Do là khoa đặc thù nên hầu hết người bệnh vào đây đều trong tình trạng nặng, nguy kịch. Người thân của họ thường có tâm lý hoảng loạn, mệt mỏi, không giữ được bình tĩnh, vì thế khi làm việc đôi lúc chúng tôi vẫn phải nghe những lời trách móc từ phía gia đình người bệnh. Thế nhưng, chúng tôi luôn xác định làm công tác cấp cứu là chấp nhận vất vả, nơi “đầu sóng ngọn gió” nên luôn phải cố gắng trau dồi chuyên môn cũng như bản lĩnh, sự quyết đoán trước mỗi ca bệnh”. Mỗi bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng luôn tích cực học hỏi nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm, trau dồi y đức. Xác định rõ, mỗi người bệnh vào cấp cứu đều phó thác sinh mạng của mình cho các y bác sĩ nên ngoài việc chú trọng xây dựng kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tuyệt đối không gây phiền hà cho bệnh nhân, nơi đây còn trang bị khá nhiều máy móc hiện đại để phục vụ công tác chuyên môn và làm chủ nhiều kỹ thuật mới, khó như: đặt nội khí quản giúp đường thở; sốc điện; lập đường truyền Catheter tĩnh mạch trung tâm…

Không chỉ chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật lực phục vụ cho hoạt động chuyên môn, đến khu vực cấp cứu của khoa Khám bệnh – Cấp cứu còn được nghe nhiều câu chuyện đầy tình người. Đó là chuyện về cô điều dưỡng Đoàn Thị Minh Nguyệt sẵn sàng chia sẻ từng đơn vị máu (thuộc nhóm máu hiếm Rh(-)) giúp người bệnh qua cơn nguy cấp; hay chuyện các y bác sĩ mua đồ ăn, thức uống cho những người bệnh không có thân nhân… Chính những việc làm cao đẹp ấy của các y bác sĩ đã tạo dựng hình ảnh “bệnh viện thân thiện” trong lòng người bệnh và thân nhân của họ.

Nguồn Baodaklak.vn