Hiệu quả từ vườn cà phê ghép chồi

11Bằng phương pháp ghép chồi để cải tạo vườn càphê kém hiệu quả, niên vụ vừa qua, vườn càphê 1.200 cây của ông Nguyễn Công Quảng, 61 tuổi, ở thôn Đức Hiệp, xã Đức Mạnh (Đắk Mil – Đắk Nông) đã cho thu hoạch tới 9 tấn.

Năm 1979, gia đình ông Quảng rời Nghi Lộc (Nghệ An) vào Tây Nguyên lập nghiệp. “Lúc mới vào đây, thấy người ta trồng càphê chúng tôi cũng trồng theo, nào đã có kinh nghiệm gì, chủ yếu là học lỏm từ người dân địa phương, từ cách ươm giống, vào bịch, chăm sóc, làm thế nào để cây sống được, phát triển xanh tốt là mừng lắm rồi”, ông Quảng tâm sự.

Ba năm sau, vườn càphê nhà ông Quảng bắt đầu cho thu hoạch, nhưng do không được lựa giống nên năng suất, chất lượng kém. Sau nhiều lần thay đổi cách chăm sóc nhưng không hiệu quả, ông dự tính nhổ bỏ. “Nếu nhổ đi trồng cây mới thì 3 năm sau mới cho thu hoạch, mà chúng tôi cũng băn khoăn không hiểu giống mới có được như cây bố mẹ không, cái chính là gia đình đã đầu tư khá nhiều cho hơn 1.200 gốc càphê, nếu nhổ đi thì lãng phí quá”, ông Quảng trăn trở.

Sau nhiều đêm trằn trọc, ông Quảng nhận thấy, cây càphê có phần giống cây cam, chanh mà ở quê ông vẫn thường chọn giống, tăng năng suất bằng cách ghép. Thế là ông bắt tay vào việc tìm hiểu cách ghép càphê sao cho hiệu quả. Một lần xem ti vi, ông mừng rơn khi thấy chương trình khuyến nông hướng dẫn cách ghép chồi trên cây càphê, ông vội ghi lại từng công đoạn rồi tìm mua tài liệu. Sau khi đọc tài liệu, ông vạch từng chiếc lá, so từng chùm trái, từng cành càphê trong vườn để tìm được cây giống ưng ý.

22

Đến vườn ông Quảng người dân còn được học cách ghép
chồi cà phê sao cho hiệu quả.

Khi chọn được 2 cây để ghép cho cả vườn, ông Quảng bèn chặt tất cả các cành ngang, chỉ chừa lại thân cây. “Thấy tui làm thế, ai đi qua cũng bảo ông này điên, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm, cứ mỗi năm ghép 200 cây, sau vài năm thì vườn càphê của tôi đã được “thay máu” bằng cách cắt bỏ thân già nuôi chồi non để ghép”, ông kể.

Sau 2 năm ghép chồi, cây càphê bắt đầu cho trái bói, điều quan trọng là chất lượng càphê khá tốt. Ông Quảng cho biết: “Ưu điểm của cách làm này là giữ nguyên được những đặc điểm của cây giống, giúp giảm chi phí đầu tư phân bón, công làm cỏ, chặt cành, phun thuốc. Việc thu hoạch lại thuận lợi do càphê cho trái to, dễ hái, giữ được cành, lá cho vụ sau, nhất là năng suất cao hơn hẳn”.

Thấy vườn càphê nhà ông Quảng cho năng suất cao, người làng trên xóm dưới thi nhau đến tham quan học tập kinh nghiệm, lấy giống về ghép. Ngay cả những người từ Lâm Đồng, Đắk Lắk… cũng không ngần ngại đi hàng chục cây số để được tận mắt chứng kiến cách ghép càphê của ông Quảng.

Không chỉ cung cấp chồi giống và hạt giống, ông Quảng còn trực tiếp đến vườn hướng dẫn cách chăm sóc càphê.

Anh Nguyễn Văn Sơn ở Đắk Môl lặn lội hơn chục cây số đến học tập kinh nghiệm cho biết: “Tui nghe người ta nói toàn điều hay về giống càphê của ông Quảng nên muốn tận mắt chứng kiến để học hỏi về “thay máu” cho rẫy càphê của mình. Đúng là vườn càphê xanh tốt thật, nhìn là mê, vạch lá lên thấy toàn trái là trái”.

Nguyễn Văn

Nguồn Baomoi.com