Hồ tiêu xuất hiện bệnh chết nhanh

Tây Nguyên đang là tâm điểm của mùa mưa, do vậy lượng mưa lớn, độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi khiến các loại nấm hại cây trồng xuất hiện. Đặc biệt, bệnh nấm quay trở lại, gây chết hàng loạt hồ tiêu.

>>Nóng tình trạng chặt phá tiêu tại xã Hòa Đông

hồ tiêu chết ở đăk lăk

Theo phản ánh của các hộ dân tại Đắk Lắk, trong đợt mưa kéo dài vừa qua, nhiều gia đình có hồ tiêu bị chết, có hộ thiệt hại hàng trăm trụ. Anh Bùi Đình Tuấn ở xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) cho biết: “Nhà tôi có 1ha tiêu trồng được 7 năm, đang thời kỳ cho quả. Tuy nhiên, hiện đã có hơn 20 trụ bị bệnh chết nhanh, hiện tôi đang xịt thuốc mà vẫn không ăn thua. Theo các ngành chức năng, nguyên nhân của hiện tượng này là do mưa xuất hiện nhiều và kéo dài nên các loại nấm xuất hiện”.

Cư Kuin được xem là một trong những huyện có diện tích tiêu nhiều nhất Đắk Lắk và tiêu được xem là cây trồng chủ lực với diện tích trên 1.500ha, trong đó có khoảng 1.110ha đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch. Diện tích tiêu này tập trung ở các xã vùng sâu như Ea Hu, Ea Ning, Ea B’Hok. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều diện tích hồ tiêu của các hộ dân trên địa bàn các xã đang trong tình trạng “dở khóc, dở cười” vì nhiều diện tích tiêu đang chết…, hộ ít nhất cũng bị chết hàng chục trụ. Triệu chứng của bệnh này là toàn bộ rễ bị thối đen, nhất là phần cổ rễ, thân sát mặt đất bị thối rã, vỏ bong ra, có mùi hôi nhẹ….

Không chỉ ở huyện Cư Kuin xuất hiện tiêu bị bệnh chết nhanh mà ở các huyện khác như Krông Păc, Cư M’gra, Ea H’leo… cũng xuất hiện hiện tượng này. Anh Nguyễn Văn Nghĩa ở xã Quảng Phú (huyện Cư M’gar) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 2ha tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh. Những năm trước, năng suất vườn tiêu đạt hơn 3 tấn/ha. Thế nhưng, thời gian gần đây, hàng chục trụ tiêu đang xanh tốt bỗng đổ bệnh rũ lá chết. Chỉ còn vài tháng nữa là vào mùa thu hoạch rồi, cứ tình trạng này, sợ sẽ lây lan sang cả vườn thì vụ thu hoạch năm nay, gia đình trắng tay mất. Theo nhận định của tôi, tiêu chết đa phần do bệnh chết nhanh mà nguyên nhân chủ yếu là do mưa nhiều kéo dài, độ ẩm không khí cao…”.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trồng tiêu, anh Lê Hữu Hùng ở xã Ea B’hok (huyện Cư Kuin) chia sẻ cách phòng bệnh này mang lại hiệu quả thiết thực: Đã thành thông lệ, mỗi khi vào mùa mưa thì cây tiêu lại xuất hiện các loại bệnh do nấm. Do vậy, để phòng bệnh chết nhanh, tôi đã đào hệ thống rãnh quanh vườn để ngăn rễ tiêu bên vườn của hàng xóm lây bệnh sang. Khi trồng nên chọn giống để cấy sạch bệnh. Cấy tiêu trên đất sỏi đen, đỏ thì được nhưng tiêu không hợp đất ruộng, đất đỏ mịn dẻo. Tiêu cấy trên cây sống luôn phát triển hơn trên trụ chết. Nếu trồng trụ sống phải thường xuyên phát cành để tiêu luôn có nắng.

Được biết, theo quy hoạch, đến năm 2015, Đắk Lắk mới có 6.000ha tiêu thế nhưng đến nay, tỉnh đã có trên 8.500ha tiêu, trong đó có 5.900 ha cho sản phẩm, với năng suất đạt 28 tạ/ha. Diện tích tiêu tập trung ở các huyện Ea H’Leo, Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ. Vì thế, bệnh chết nhanh khiến người trồng tiêu lao đao.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn Kinhtenongthon.com.vn