Hồ xử lý nước thải “hiện đại” ở Đắk Lắk khiến 600 hộ dân chịu ô nhiễm

Kể từ khi được xây dựng, hồ này trở thành nguồn ô nhiễm không khí, khiến đời sống hơn 600 hộ dân ở TP Buôn Ma Thuột bị đảo lộn.

Hồ xử lý nước thải của Dự án thoát nước thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, đã từng được coi là có công nghệ xử lý hiện đại, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị của thành phố đông dân nhất Tây Nguyên.

Các hồ chứa nước thải lộ thiên là nguyên nhân gây ô nhiễm cho người dân.

Tuy nhiên, kể từ khi được xây dựng, hồ này đã trở thành nguồn ô nhiễm không khí rất tai hại, khiến đời sống của hơn 600 hộ dân ở khối 6 và buôn Ki phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột bị đảo lộn. Dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng địa phương trong các buổi tiếp xúc cử tri, họp tổ dân phố nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Sau mấy ngày nắng, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk lại có một trận mưa to. Trái với lẽ thường-mưa làm không khí trong lành hơn, ở khối 6, phường Thành Nhất, khu vực ngoại ô của Buôn Ma Thuột, mùi ô nhiễm lại bốc lên khiến người dân ngạt thở. Ông Hứa Văn Tùng ở số 34 đường Tạ Quang Bửu, phường Thành Nhất cho biết, khu vực này trước dây khí hậu rất mát mẻ trong lành.

Ô nhiễm chỉ xuất hiện từ trong giai đoạn năm 2005-2006, khi UBND thành phố Buôn Ma Thuột xây dựng dự án xử lý nước thải sinh hoạt ngay tại khu vực này. Một hệ thống hồ nước thải trải dài gần cây số, rộng hàng trăm mét, đã biến thành nguồn ô nhiễm, khiến cuộc sống đảo lộn: “Nhà tôi cách các hồ chứa thải có 50 mét, mỗi lần mùi hôi bay vô là điên đảo người luôn, nhất là khi trời mưa nó bốc lên thì còn nặng hơn nữa hôi tanh nồng nặc. Tôi luôn phải đóng kín các cửa nhà, lỗ gió thì phải che kín không còn chỗ nào luôn không thì nó vào không thoát được thì ngột ngạt lắm vì nó là nước thải phân mà. Tôi kiến nghị nhà nước phải có giải pháp nào xử lý triệt để hoặc di dời nhà máy đi giúp người dân”.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Phượng, ở phường Tân Lợi chuyển đến sinh sống ở số 44 đường Tạ Quang Bửu, phường Thành Nhất đầu năm 2005. Chị cho biết, từ khi đến đây, người già và trẻ nhỏ trong nhà thường xuyên mắc các chứng bệnh về hô hấp do hít phải không khí ô nhiễm từ hồ nước thải. Vợ chồng chị đang tìm cách bán nhà chuyển đi nơi khác để đảm bảo sức khỏe: “Mỗi lần mưa xuống mùi thối bốc lên mạnh lắm, cháu bé thứ 2 nhà mình khi ấy mới sinh thì cháu bị viêm phổi thường xuyên phải vào viện điều trị. Chưa kể, 3 năm trước ông của mình lên đây ở hay hít phải cái mùi hôi thối này cũng thường bị khó thở, hen suyễn và đã mất rồi. Mình là một người dân sinh sống ở khu vực này kiến nghị: cấp trên xem có thể giải quyết cho dân ổn thỏa, có thể giải tỏa giúp người dân..”

Bà Lê Thị Loan, Chủ tịch UBND phường Thành Nhất thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, quanh khu vực dự án xử lý nước thải của thành phố có hơn 600 hộ dân sinh sống, tập trung chủ yếu ở khối 6 và buôn Ki. Nhiều năm qua, người dân khu vực này thường xuyên phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí của dự án trong các buổi tiếp xúc cử tri, họp tổ dân phố.

UBND phường đã tiếp nhận thông tin rồi lập các tờ trình kiến nghị lên cơ quan chức năng ở Đắk Lắk để giải quyết cho người dân nhưng chưa thấy xử lý dứt điểm. Bà Loan nói: “Trách nhiệm của địa phương chúng tôi thì chỉ lập báo cáo gửi lên thành phố và Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk xuống xử lý mùi hôi bay ra từ khu vực hồ giúp người dân. Còn việc xử lý dứt điểm, triệt để hay di dời vào vị trí nào phù hợp thì đó là thẩm quyền của thành phố và tỉnh, còn phường thì không đủ thẩm quyền xử lý”.

Dự án xử lý nước thải của Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk gây ô nhiễm nhiều năm cho hơn 600 hộ dân ở khối 6 và buôn Ki phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột.

Dự án xử lý nước thải của thành phố Buôn Ma Thuột được triển khai xây dựng trong giai đoạn từ năm 2000-2006, do Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk là chủ đầu tư. Dự án gồm nhiều hồ chứa nước thải tràn lọc cùng mạng lưới đường ống thu gom nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư trong thành phố, công suất thiết kế gần 82 nghìn m3/ngày/đêm.

Theo bà Phạm Thị Thanh Sương, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk, đây là hệ thống xử lý nước thải sử dụng công nghệ sinh học tự động, không can thiệp cơ điện máy móc và các hóa chất khử khuẩn. Điểm yếu của hệ thống là toàn bộ hồ tràn đều lộ thiên nên khi lượng lớn nước thải chảy về sẽ dẫn tới mùi hôi thối bay thẳng ra môi trường gây ô nhiễm không khí.

Bà Sương cho biết, trước tình trạng này UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã cấp kinh phí 450 triệu đồng/năm để mua hóa chất xử lý nhằm khắc phục mùi hôi thối ô nhiễm giúp dân nhưng hiệu quả thì rất “hạn chế”.

Bà Sương phân trần: “Chúng tôi cũng đã tìm các giải pháp để khắc phục mùi hôi thối cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp cụ thể nào cho nó phù hợp. Khi người dân phán ánh nhiều quá thì chúng tôi dùng chế phẩm L2100 liều lượng 2 lít/ngày để phun tăng xử lý đầu vào nhằm hạn chế mùi hôi thối nhưng chúng tôi thấy không hiệu quả”

Hơn 10 năm qua, nhiều người già và trẻ nhỏ sinh sống ở khu vực xung quanh dự án phải hít thở không khí ô nhiễm dẫn tới bệnh tật thậm chí tử vong, trong khi đơn vị chủ đầu tư khẳng định “bó tay” trong việc tìm phương án khắc phục. Đây là bi kịch, đang diễn ra ở dự án xử lý nước thải sinh hoạt sự dụng công nghệ sinh học tự động tiên tiến nhất Tây Nguyên./.