Hơn 600 giáo viên hợp đồng thừa ở Đắk Lắk vẫn chưa được sắp xếp

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo Kết luận số 65, về việc thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo tại Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ Công thương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

hon-600-giao-vien-hop-dong-thua-o-dak-lak-van-chua-duoc-sap-xep

Một giờ học của học sinh huyện Krông Pắk.

Trong đó có yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với giám đốc sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk và chủ tịch uBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) nhiệm kì (2015-2020) vì tuyển dụng dư hơn 600 giáo viên.

Theo đó, thông báo yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm trách nhiệm đối với giám đốc Sở Nội vụ trong việc thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại UBND huyện Krông Pắk, để xảy ra trong thời gian dài, không kịp thời tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý.

Kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kì 2015- 2020 do tiếp tục kí hợp đồng với giáo viên khi đã có kiến nghị của Thanh tra tỉnh.

Bên cạnh đó công văn còn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk khẩn trương khắc phục số lượng giáo viên đã hợp đồng thừa theo các phương án đã đề ra.

Như Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, từ năm 2011 đến đầu năm 2016, Chủ tịch huyện Krông Pắk liên tiếp ký hợp đồng tuyển dụng giáo viên ồ ạt sau đó ấn định luôn về cho các trường mà không căn cứ vào nhu cầu thực tế khiến cho số lượng giáo viên, nhân viên ở các trường dư thừa hàng trăm người.

Sự việc vỡ lở, nguyên chủ tịch huyện Nguyễn Sỹ Kỷ bị kỷ luật, thế nhưng người kế nhiệm là ông Y Suôn Byă vẫn tiếp tục ra quyết định ký hợp đồng ngoài biên chế làm cho giáo viên dư ngày càng nhiều thêm.

Về sai phạm này, Tỉnh, ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu UBND huyện Krông Pắk xử lý dứt điểm, nhưng đến nay, hơn 600 giáo viên được tuyển đang hàng ngày đối mặt nguy cơ mất việc bất cứ lúc nào, còn địa phương này vẫn lúng túng chưa tìm ra phương án để khắc phục.

Mặc dù năm học 2017-2018, đã gần hết học kỳ một, thế nhưng hàng trăm giáo viên đang rất hoang mang khi sống trong hoàn cảnh hai không “không tiết dạy – không hưởng lương” nhưng không ai dám tìm một việc khác để mưu sinh, khi hợp đồng làm việc ở các trường vẫn còn hiệu lực.

Cụ thể như tại Trường THCS xã Ea Phê, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk đầu năm học 2017-2018 có 10 giáo viên trong biên chế của nhà trường không có tiết để dạy vì lý do nhà trường buộc phải rút từ quy mô 20 lớp/480 học sinh, xuống còn 15 lớp, đúng theo quy định.

Bên cạnh các giáo viên biên chế không còn tiết dạy thì 7 giáo viên hợp đồng dài hạn cũng ngồi chơi xơi nước. Nhưng tình thế của 7 giáo viên này càng xấu hơn, vì cùng với không có tiết dạy, họ còn không được hưởng lương.

Ông Y Suôn Byă – chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, người trực tiếp ký thêm hợp đồng với 109 giáo viên trong nhiệm kỳ của mình cho biết, huyện đang giải quyết hậu quả bằng cách trình xin tỉnh cho thêm biên chế giáo viên năm học 2017-2018, để tuyển chính thức một phần số giáo viên hợp đồng dư thừa hiện nay.

Tuy nhiên, theo Phòng Giáo dục và Đào tạo, ngoài hơn 500 giáo viên hợp đồng dư thừa, huyện Krông Pắk còn 100 giáo viên trong diện biên chế chưa thể bố trí giảng dạy, nên phương án xin thêm biên chế giáo viên của huyện là không khả thi.

Những nỗ lực cân đối, điều chuyển giáo viên cũng không giải quyết được đáng kể tình trạng dư thừa hiện nay.

Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa IX (diễn ra từ ngày 6 đến 8/12/2017), UBND tỉnh đã trả lời ý kiến cử tri về việc hơn 600 giáo viên dư thừa tại huyện Krông Pắk.

Theo đó, UBND huyện Krông Pắk đã có công văn chấm dứt hợp đồng giáo viên, nhân viên không trúng tuyển các kỳ xét tuyển.

Tiếp đó có công văn tiếp tục chỉ đạo các trường chấm dứt hợp đồng lao động đã qua thi tuyển nhưng không trúng tuyển.

Để tiếp tục giải quyết số hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục còn lại, UBND huyện Krông Pắk đã xây dựng Đề án số 07/ĐA-UBND, ngày 9/1/2017 về sử dụng và giảm số lượng hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế, dự kiến đến năm 2019 giải quyết toàn bộ hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế.

Theo Báo cáo số 24/BC-UBND, ngày 23/2/2017 của UBND huyện Krông Pắk, số lượng giáo viên hợp đồng lao động còn 605 người (95 giáo viên mầm non, 282 giáo viên tiểu học và 228 giáo viên trung học cơ sở).

Trong đó có 84 chỉ tiêu chưa tuyển dụng, số hợp đồng ngoài chỉ tiêu được giao là 521 người.

Để xử lý về vấn đề này, ngày 15/3/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk, đã ban hành Công văn số 1737/UBND-TH về việc kiểm tra, khắc phục những tồn tại trong công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học và hợp đồng giáo viên tại huyện Krông Pắk.

Sở Nội vụ cũng đã có Công văn số 447/SNV- CCVC ngày 12/4/2017 về việc khắc phục tồn tại trong hợp đồng lao động vượt chỉ tiêu biên chế tại huyện Krông Pắk.

Theo đó, UBND tỉnh và Sở Nội vụ đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND huyện Krông Pắk triển khai thực hiện các nội dung: Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức của huyện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 của Chính phủ và Kế hoạch số 4345/KH- UBND, ngày 23/6/2015 của UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2021 tinh giản đạt 10% trên tổng số biên chế được giao.

Hi vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ các cơ quan chức năng, những cảnh đời của các thầy cô giáo xuất phát từ sự tuỳ tiện của lãnh đạo huyện Krông Pắk sẽ được giải quyết hợp tình, hợp lý.