Khai thác đá gây bất ổn cho người dân xã Ea Kpam

Thời gian gần đây, người dân ở thôn 2 và thôn 4, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk liên tục gửi đơn phản ánh về tình trạng nổ mìn khai thác tại mỏ đá Ea Tul gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường và làm nứt nhiều nhà dân. Tình trạng này đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Gia đình anh Bùi Văn Thân ở thôn 2, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar sống cách khu vực mỏ đá Ea Tul chừng 500m. Trước đây, mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 160 triệu đồng từ việc chăn nuôi và trồng cây cà phê. Thế nhưng, từ năm 2011, khi Công ty An Nguyên mở rộng phạm vi nổ mìn khai thác đá ở mỏ đá Ea Tul thì khói bụi bay vào vườn khiến cà phê giảm một nửa năng suất, còn tiếng mìn nổ rung chuyển mạnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn vật nuôi trong gia đình anh. Ước tính thiệt hại cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Bùi Văn Thân ở thôn 2, xã Ea Kpam, huyện Cư Mgar Đắk Lắk cho biết: “Mỗi lần mình nuôi 10 đến 12 con heo nái và 60 con heo thịt. Mỗi lứa cũng cho thu nhập 40 đến 50 triệu. Mấy năm nay mỏ đá nổ mìn nên gia đình tôi không nuôi được heo nữa, cà phê thì chết cành khô hết.”

20160130230954497_sequence-1still439
Người dân bức xúc vì sự ảnh hưởng của mỏ đá tới đời sống sinh hoạt

Việc mở rộng phạm vi nổ mìn khai thác đá của công ty An Nguyên ở mỏ đá Ea Tul còn ảnh hưởng đến rất nhiều hộ dân ở thôn 4 của xã Ea Kpam. Nhà của chị Lê Thị Kiều Anh ở thôn 4, xã Ea Kpam được xây dựng năm 2011 với trị giá gần 400 triệu đồng. Gần đây, do mỏ đá liên tục nổ mìn với cường độ mạnh khiến dầm móng nhà chị Kiều Anh bị nứt toác với hàng chục đường dài lên tới hơn 1 mét. Trần nhà thì bị sập sệ, các bức tường nứt chằng chịt nên gia đình chị Kiều Anh phải bỏ vào ở tạm trong căn nhà rẫy cách đó 10 cây số khiến cho việc sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn hết sức khó khăn.

Chị Lê Thị Kiều Anh ở thôn 2, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk cho biết: “Mỗi lần rung nhà nứt nhiều lắm, nhà rung chuyển tôn kêu lên rầm rầm. Chỉ mong sao mỏ đá làm thế nào để bớt thiệt hại đi, chứ nhà mới xây xong đã bị nứt.”

Công ty TNHH An Nguyên được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép cho hoạt động khai thác đá hơn 10 năm nay. Ban đầu đơn vị chỉ được phép khai thác đá ở một diện tích nhỏ, đến tháng 12/2012, thì xin mở rộng diện tích khai thác và được tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho thuê hơn 10ha đất và cấp phép khai thác trong 28 năm. Từ khi mỏ đá này mở rộng phạm vi nổ mìn, Ủy ban Nhân dân xã Ea Kpam đã nhiều lần nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân. Năm 2013, chính quyền địa phương phối hợp cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Đắk Lắk đã xuống kiểm tra, yêu cầu Công ty An Nguyên phải giảm khối lượng mìn trong quá trình khai thác đá và mỗi lần nổ mìn, công ty phải chấp hành sự giám sát của chính quyền địa phương.

2016013023095575_sequence-1still442
Những vết nứt do ảnh hưởng của việc nổ mìn của mỏ đá

Ông Hoàng Nghĩa Chính – Chủ tịch UBND xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Phía địa phương cũng đã có những buổi làm việc với công ty An Nguyên và yêu cầu công ty trước mắt giảm lượng mìn xuống. Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra lại kiến nghị của nhân dân. Kiểm tra tác động của mỏ đá đối với các hộ dân liền kề. Nếu duy trì mỏ đá thì phải đảm bảo đời sống nhân dân không bị ảnh hưởng, nếu đời sống nhân dân bị ảnh hưởng thì có thể phải dừng việc khai thác đá.”

Theo tìm hiểu và quan sát của phóng viên thì việc nổ mìn phá đá của Công ty An Nguyên còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn chân bờ đập thủy lợi buôn Joong ở thôn 4, xã Ea Kpam. Công trình thủy lọi này có diện tích 280ha, phục vụ tưới tiêu nước cho 3.000 ha đất trồng cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, và Ea Súp.

Giờ đây, nhân dân ở thôn 2, thôn 4 của xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar đang rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk đến kiểm tra và có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng trên, sớm trả lại môi trường an toàn để người dân ổn định cuộc sống, sản xuất.

Nguồn Antv.gov.vn