Kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng “loạn thu” ở Đắk Lắk

Sau khi báo Tamnhin.net đăng tải loạt bài “loạn thu” ở Đắk Lắk, sáng ngày 10-10-2011, các cơ quan chức năng như Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh này đã tổ chức đoàn việc kiểm tra xem xét các khoản thu đầu năm của trường mà báo nêu.

Có tình trạng loạn thu

Theo kết quả của đoàn kiểm tra thì không chỉ có Trường Nguyễn Đức Cảnh mà Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm cũng có nhiều khoản thu “vô tội vạ”.

Cụ thể, theo kế hoạch dự toán thu – chi năm học 2011-2012 của Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm do Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Long báo cáo với đoàn công tác tại buổi làm việc thì ở đây có rất ít các khoản thu, gồm: Quỹ Hội cha mẹ học sinh (CMHS): 80.000 đồng/em/năm; Tiền vệ sinh, sửa chữa nhỏ: 60.000 đồng/em/năm; tiền mua nước uống: 30.000 đồng/em/năm; tiền trồng cây xanh trong nhà trường: 30.000 đồng/em/năm; tiền học tăng buổi: 80.000 đồng/em/tháng.

loan-thu1

Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm có nhiều khoản thu “khủng” khiến phụ huynh khốn đốn

Theo ông Long thì cộng cả tiền bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm thân thể thì trường có chưa đến 10 khoản thu với tổng cộng trên 500.000 đồng/học sinh.

Tuy nhiên, theo con số mà ông Võ Quang Tuyên, Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh Đăk Lăk, trưởng đoàn công tác công bố ngay trong buổi làm việc thì Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm có học sinh phải đóng đến 16 khoản thu với tổng số tiền là 1.671.000 đồng.

Trong đó có nhiều khoản không có trong báo cáo của trường như: tiền mua bảng tên, mua ghế ngồi, quỹ Đội, sổ liên lạc, đồng phục, áo khoác, quỹ lớp, lợn đất…

loan-thu2

Ông Nguyễn Hữu Long, Hiệu trưởng Trưởng Trường Tiểu học

Lê Thị Hồng Gấm giải trình các khoản thu với đoàn công tác

Giải thích về các khoản thu này, ông Long cho rằng: “Tùy theo điều kiện từng lớp mà chi hội phụ huynh của lớp thống nhất để mua sắm các dụng cụ cần thiết. Ban giám hiệu nhà trường không quản khoản này nên hiệu trưởng không nắm được(!?).

Trong khi đó, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh thì có những khoản thu, mức thu khác với Trường Lê Thị Hồng Gấm. Theo giải trình của bà Phạm Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh thì trường có tổng cộng 11 khoản thu.

Trong đó, “thu theo quy định” gồm các khoản: Bảo hiểm y tế bắt buộc đối với học sinh (209.160 đồng/em/năm), Bảo hiểm thân thể học sinh tự nguyện (60.000 đồng/em/năm), quỹ Đội (18.000 đồng/em/năm).

Tiền “thu phục vụ học sinh” gồm các khoản: Học bạ đối với học sinh lớp 1 (5.000đồng/em/năm), sổ liên lạc (5000 đồng/em/năm), bảng tên (10.000 đồng/em/năm), ghế ngồi chào cờ lớp 1 và học sinh mới (30.000 đồng/em/năm). Tiền “thu tự nguyện đóng góp của phụ huynh” gồm các khoản: Quỹ HCMHS toàn trường (80.000 đồng/em/năm), quỹ chăm sóc bồn hoa cây cảnh (20.000đồng/em/năm), quỹ vệ sinh trường lớp – khu nhà vệ sinh (50.000 đồng/em/năm), học tăng buổi (70.000 đồng/em/năm).

Theo bà Hương thì tất cả 11 khoản thu này, Ban đại diện Hội CMHS cùng với nhà trường đã lập tờ trình gửi UBND phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) – địa bàn trường đứng chân – để xin chủ trương. Mặc dù lãnh đạo phường không ký văn bản phê chuẩn nhưng cũng đã có ý kiến thống nhất các khoản thu theo tờ trình(!?) Còn lại, mỗi chi hội phụ huynh cũng có khoản thu quỹ riêng đối với từng lớp nhưng nhà trường không thể kiểm soát được.

Phớt lờ chỉ đạo của Bộ GDĐT

Đối với giải trình của bà Hương, đại diện Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho rằng trường áp dụng văn bản hướng dẫn của Sở (về việc xin ý kiến thống nhất của chính quyền địa phương đối với các khoản thu) là quá “lạc hậu”, bởi văn bản này có từ năm 2006.

Trong khi đó, năm nào Bộ cũng có văn bản chỉ đạo, năm nào Sở cũng ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn mới. Không có lý do gì mà trường ở ngay trung tâm thành phố lại không cập nhật được!

Nhận xét về các khoản thu của 2 trường nói trên, vị đại diện Sở GD-ĐT cho rằng có nhiều khoản không nhất thiết phải thu tiền của học sinh như: học bạ, sổ liên lạc, tiền vệ sinh… Các khoản này đều có thể lấy tiền từ ngân sách Nhà nước để chi.

Cùng quan điểm này, bà Lê Thị Hòa, Phó trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch TP. Buôn Ma Thuột khẳng định: Tiền làm vệ sinh, tiền trồng cây, chăm sóc bồn hoa… ngân sách Nhà nước vẫn có thể đáp ứng được. Các trường đều đã được phân bổ ngân sách, trong đó có đến 20% trên tổng quỹ lương được dùng để chi thường xuyên. Các trường cần phải sử dụng quỹ này để chi chứ không nên thu của học sinh.

Tham gia ý kiến trong buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Những, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Đăk Lăk cho rằng: Xã hội hóa giáo dục là chủ trương của Đảng, Nhà nước.

loan-thu3

Bà Phạm Thi Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh

cho rằng, trường khác còn thu cao hơn nhiều!

Tuy nhiên, không phải bất cứ khoản gì cũng thu của học sinh. Có một thực tế là một khi nhà trường cùng với ban đại diện Hội CMHS thống nhất các khoản thu thì bắt buộc phụ huynh phải đóng. Nhiều người dân đồng tình đóng góp nhưng cũng không ít người bức xúc vì các khoản chi không minh bạch.

Ông Những lấy ví dụ: Cũng là bảng tên nhưng Trường Lê Thị Hồng Gấm thu 8.000 đồng/em, còn Trường Nguyễn Đức Cảnh lại thu 10.000 đồng/em. Trong khi đó, ghế ngồi ở Trường Lê Thị Hồng Gấm thu 20.000 đồng thì Trường Nguyễn Đức Cảnh lại thu 30.000 đồng.

Đáng nói hơn là việc Trường Lê Thị Hồng Gấm xây dựng kế hoạch dự toán thu – chi năm học 2011-2012, trong đó có khoản dự thu quỹ phụ huynh được 73.600.000 đồng, đồng thời dự kiến chi khen thưởng giáo viên 10.000.000 đồng và chi ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) 20.000.000 đồng. Ông Những cho rằng việc chi cho 2 khoản này là sai nguyên tắc tài chính!

Kết thúc buổi làm việc, mặc dù chưa có kết luận về các khoản thu nhưng ông Võ Quang Tuyên vẫn nhấn mạnh quy định của Luật Giáo dục hiện hành: “Ngoài phí và lệ phí tuyển sinh, người học không phải đóng thêm khoản tiền nào”.

Ông Tuyên cũng lưu ý hiệu trưởng các trường rằng: “Hiệu trưởng không thể nói các lớp thu thế nào là tùy ý mà với trách nhiệm của mình phải thực hiện giám sát, xem xét để có ý kiến điều chỉnh hợp lý. Bên cạnh đó, các trường cần phải chú ý hơn nữa đến dư luận xã hội, không thể để xảy ra tình trạng “loạn thu” đầu năm học. Đừng để việc học của con em trở thành gánh nặng quá mức đối với người dân, đặc biệt là người nghèo!”.

Qua đây chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk, cần áp dụng chế tài xử lý nghiêm với lãnh đạo các trường như đã nêu trên tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, ảnh hưởng đến uy tín của toàn nghành giáo dục.

Nguồn Tamnhin.net