Ký khống, nợ thật?

Đặt bút ký một chữ ký vào bất cứ văn bản nào đã phải cẩn thận, ký vào giấy nợ lại càng phải mười phần cẩn thận.

no

Tại hai phiên tòa sơ thẩm (TAND huyện Krông Pắk) và phúc thẩm (TAND tỉnh Đắk Lắk), hai anh em trai đầu đã điểm bạc đôi co với nhau xung quanh một tờ giấy ghi số nợ khổng lồ: hơn 79 tấn cà phê nhân và gần 600 triệu đồng (tổng giá trị thời điểm này gần 5 tỉ đồng – PV). Người em tên T.V.T. đưa ra tờ giấy “đối chiếu công nợ” đề ngày 6-3-2010 có chữ ký của anh trai mình. Trong khi đó người anh, ông T.V.H., cho rằng không có việc thỏa thuận nợ với em, dù ông xác nhận chữ ký trong giấy đối chiếu là chữ ký của mình.

Nợ hay không nợ?

Ông H. cho biết 10 năm trước, khi làm kế toán trưởng của một doanh nghiệp, bận đi công tác, ông đã ký tên vào nhiều bản giấy A4 chưa có nội dung để cấp dưới thuận lợi trong công việc. Khi về, số giấy tờ này không dùng hết nên ông thu lại nhưng không hủy mà đem về nhà. Vì vậy theo ông, có lẽ em ông đã đánh cắp một trong những bản giấy ký sẵn này và điền nội dung vào để đòi nợ ông.

Theo ông H., năm 2002 ông có bỏ vốn lập doanh nghiệp tư nhân mua cà phê và để ông T. đứng tên. Đến tháng 5-2005, ông H. không trực tiếp quản lý nữa mà giao toàn bộ công việc kinh doanh lại cho em trai. Thời điểm ấy, doanh nghiệp này còn nợ hơn 76 tấn cà phê nhân xô. Theo giao ước, ông T. chịu trách nhiệm đứng ra trả nợ cho dân, còn ông H. sẽ trả lại tiền cho ông T.. Đến nay, theo ông H., ông chỉ còn nợ người dân khoảng 13 tấn cà phê nhân và đang tiếp tục trả. Tất cả khoản thanh toán đều có sổ sách, bảng kê để đối chiếu từng khoản nợ. Ông H. yêu cầu tòa cho đối chiếu từng khoản nợ vì sổ sách còn đó, bút tích còn đây… “Dù là anh em ruột nhưng 79 tấn cà phê nhân và gần 600 triệu đồng vay trong thời gian dài phải có sổ sách cụ thể” – ông H. trình bày với hội đồng xét xử (HĐXX).

Ngược lại, ông T. cho rằng số nợ 76 tấn cà phê kia chẳng những anh của ông không trả mà còn lợi dụng lòng tin của ông để vay thêm nên thành số nợ hơn 79 tấn và gần 600 triệu đồng. “Ngày 6-3-2010, sau nhiều lần xích mích, hai anh em đã ngồi lại và thỏa thuận bằng văn bản đối chiếu công nợ, mọi chứng từ liên quan đều không còn giá trị nên đã hủy hết” – ông T. cho biết.

Ngày 30-8-2010, TAND huyện Krông Pắk đã tuyên buộc ông H. phải trả nợ, với chứng cứ duy nhất là bản đối chiếu công nợ nói trên. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm 21-9, HĐXX đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vì có nhiều sai sót trong quá trình tố tụng. HĐXX cho rằng bản đối chiếu công nợ ngày 6-3-2010 có nhiều điểm nghi vấn nhưng chưa được đấu tranh, làm rõ. Hơn nữa, dù số nợ lớn như vậy nhưng tòa sơ thẩm đã không đối chiếu các chứng từ, hóa đơn, theo dõi sổ nhập kho, sổ kế toán… mà chỉ căn cứ vào bản thỏa thuận là thiếu khách quan.

Trường hợp của bà T.T.H. (trú tại huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) cũng liên quan đến chữ ký trên giấy nợ. Theo trình bày của bà H. tại tòa: do cần vốn làm ăn nên bà có nhờ bà N.T.K.C. (trú tại thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) vay giúp 270 triệu đồng. Như đã hẹn, ngày 19-8-2010 bà H. đến nhà bà C., làm giấy vay nợ xong, bà C. nói trời tối rồi nên không giao tiền mà hẹn sáng mai sẽ đưa. Sáng hôm sau bà H. gọi điện hỏi để lấy tiền thì bà C. nói chỉ cho vay 100 triệu đồng. Bà H. không đồng ý vay nữa, yêu cầu hủy giấy nợ và bà C. đồng ý. Bà H. cũng không nhớ đến tờ giấy nợ đó nữa. Thế nhưng đến ngày 22-9-2010, bà C. khởi kiện bà H. ra tòa để đòi số nợ trên.

Bài học suốt đời

Ngày 22-6-2011, TAND tỉnh Đắk Lắk y án sơ thẩm của TAND huyện Ea H’Leo buộc bà H. phải trả 270 triệu đồng cùng 27 triệu đồng tiền lãi cho bà C.. Theo HĐXX, bà H. đã thừa nhận có ký vào giấy vay nợ, cũng không chứng minh được việc chưa nhận tiền…

Luật sư Tạ Quang Tòng – phó chủ nhiệm đoàn luật sư Đắk Lắk – cho biết vụ án này không có cách nào để chứng minh bà H. bị oan dù có thể việc bà chưa nhận tiền từ bà C. là có thật. Bởi giấy thỏa thuận nợ giữa hai bên có chữ ký bà H. và bà cũng chấp nhận là chữ ký của mình. HĐXX không thể xác định được có sự gian dối hay không vì lời nói miệng không thể chứng minh, còn chứng cứ lại quá rõ ràng.

Luật sư Chu Đức Lưu, chủ nhiệm đoàn luật sư Đắk Lắk, cho biết thêm một trường hợp: năm 2010, ông K. ký thỏa thuận vay ông C. 1,5 tỉ đồng nhưng ông C. nêu lý do chưa đủ tiền nên chỉ đưa trước 500 triệu và nói mai sẽ đưa đủ nhưng rồi lần lữa mãi không đưa. Đến khi ông K. trả tiền thì ông C. đòi phải trả đúng 1,5 tỉ đồng. Ông K. buộc phải bán nhà, tài sản trả nợ cho ông C. theo phán quyết của tòa án. “Các đương sự khi đã xác nhận chữ ký của mình trong các hợp đồng, giấy vay nợ đều không có cách nào để “gỡ” dù theo linh tính nghề nghiệp của tôi, có thể họ bị oan. Mỗi năm chúng tôi nhận gần chục trường hợp đến kêu oan về chữ ký khống mang nợ thật như thế này…” – luật sư Lưu nói.

Trong phiên tòa phúc thẩm vụ ông T.V.T. kiện anh ruột mình, thẩm phán Nguyễn Đình Triết, chủ tọa phiên tòa, đưa tờ giấy trắng có ký tên T.V.H. ra và nói: “đây là bài học đối với tất cả những ai dự phiên tòa hôm nay. Thật cay đắng, phải nhớ suốt đời vì khi ký tên mình vào một tờ giấy trắng có thể bị điền bất cứ nội dung gì vào. Ngay cả đến khoa học hình sự hiện đại giám định chữ ký cũng không thể cho biết chính xác tính chân thực trong câu chuyện này. Chỉ có anh em họ mới có thể biết ai đúng, ai sai…”.

Nguồn Tuoitre.vn