Lâm Đồng:Giá rau rẻ mạt,nông dân phá bỏ làm phân xanh

Từ sau tết Nguyên đán đến nay, giá một số loại rau tại Lâm Đồng đột “chạm đáy” khiến nhà vườn phải nhổ bỏ làm thức ăn cho bò hoặc ủ làm phân.

Theo phòng Kinh tế huyện Đơn Dương – nơi trồng rau, củ, quả lớn nhất Lâm Đồng – hiện toàn huyện có khoảng 250ha bắp cải, trong đó có trên một nửa diện tích này đã đến ngày cho thu hoạch nhưng vẫn không có thương lái tới mua khiến rau bị già hoặc nổ vỡ.

images875961_P1330759

Nhà vườn phá bỏ su hào làm phân vì không có người mua.

Trong khi đó, tại Đà Lạt, hàng chục gia đình trồng hành tây, bắp cải cũng đang lâm vào cảnh điêu đứng do không bán được hàng mặc dù giá cả các loại mặt hàng này đã xuống thấp dưới mức có thể.

Ông Huỳnh Văn Hưng, đường Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt chán nản nói: “Đầu tư tới 40 triệu cho một sào hành tây (giống Mỹ) mà giờ chỉ rao bán với giá 1.500 đồng/kg nhưng vẫn không có ai mua”.

Nỗi lo của ông Hưng cũng là nỗi lo của hàng trăm nhà nông ở Lâm Đồng khi giá bắp cải xuống chỉ còn chưa tới 1.000 đồng/gốc (gần 3kg), su hào 500 đồng/củ, khoai tây 6.000 đồng/kg…

Chị Nguyễn Thị Minh, ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương có 5 sào su hào, do không có người mua nên ngày 16/3, gia đình chị quyết định phá bỏ vườn su hào này đem về cho bò ăn.

Theo chị Minh, ở huyện Đơn Dương, do không bán được su hào, bắp cải nên nhiều gia đình đã chọn cách liên hệ với một số đơn vị chăn nuôi bò sữa tại địa phương chặt rau bán cho những đơn vị này để vớt vát lại một phần đồng vốn, không ít gia đình khác đành chọn cách phá bỏ rau để ủ làm phân xanh.

images875965_P1330748-550x343

Bắp cải nổ tung vì quá ngày thu hoạch.

Bà Lê Thị Bé, trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương, cho biết đây là thời điểm cắp cải, su hào, hành tây, khoai tây… có giá xuống thấp nhất trong nhiều năm qua. Nguyên nhân là do các mặt hàng này không thể cạnh tranh được với hàng cùng loại được nhập vào nước ta từ Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Cứ, trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt cho biết từ đầu năm đến nay, lượng nông sản Đà Lạt xuất khẩu sang Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản… chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên đã góp phần làm cho rau, củ, quả Lâm Đồng thêm ế.