Lo lắng vì sông “nuốt đất”

Hàng trăm người dân sinh sống ở tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng, xã Ea R’bin, huyện Lắk (Đắk Lắk) đang hoang mang lo lắng vì mỗi năm sông Krông Nô, đoạn chảy qua khu vực này liên tục “nuốt” nhiều diện tích đất sản xuất và đe dọa nhà cửa, tài sản, tính mạng của bà con sinh sống gần bờ sông.

Ông Trương Văn Tỏ, Tổ trưởng tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng, xã Ea R’bin cho biết: Trước đây lòng sông rất hẹp, 41 hộ dân trong tổ có thể lội bộ qua lại dễ dàng, thế nhưng vài năm trở lại đây tình trạng sạt lở bờ sông tại khu vực này xảy ra liên tục với tốc độ ngày càng nhanh, khiến lòng sông đã được mở rộng thêm vài chục mét mỗi bên, lấy đi nhiều diện tích đất ở và sản xuất của bà con sống ven sông.

Có hơn 3,6 ha đất trồng bắp cạnh bờ sông, nhưng mỗi lần nước dâng, sông chảy là gia đình ông Nguyễn Khương Phú Huynh lo lắng như ngồi trên đống lửa, vì diện tích đất lại bị sạt lở trôi theo dòng nước.

Ông Khương lo lắng: “Từ năm 2013 đến nay, gia đình tôi đã 3 lần bị mất đất vì sạt lở bờ sông. Khu đất 3,6 ha trồng bắp, nay chỉ còn lại 1,1 ha, còn 2,5 ha đã bị nước dâng cuốn mất. Cứ đà này chắc vài năm nữa, gia đình tôi chẳng còn đất mà sản xuất”.

dak-lak-lo-lang-vi-song-nuot-dat

Tình trạng sạt lở đất đang uy hiếp đến đời sống người dân buôn Plao Siêng, huyện Lắk

Cũng sống giáp bờ sông Krông Nô, nhưng từ năm 2009 đến nay, gia đình ông Hoàng Văn Hiệu, tổ tự quản số 3 đã phải 3 lần di dời, dựng lại nhà vì mỗi năm đất đai của gia đình lại bị sông cuốn mất.

Ông Hiệu chia sẻ: “Vì an toàn tính mạng nên cứ sông lấn đất đến đâu, gia đình tôi phải chuyển nhà cách xa đến đó. Mỗi lần di chuyển lại mất một số tiền mua sắm vật liệu, vì vậy mà làm mấy năm tích góp được ít tiền lại phải bỏ ra dựng lại nhà, khiến cho cuộc sống vốn đã khó khăn lại thêm khó khăn hơn”.

Để thuận tiện cho việc lấy nước, cũng như sản xuất của gia đình khi mới đến đây sinh sống, gia đình ông Nguyễn Văn Liệu dựng nhà cách bờ sông từ 20-30 mét, nhưng chỉ qua vài năm, căn nhà của ông đã nằm sát bờ sông.

Chỉ tay về phía dòng nước đang chảy, ông Liệu nói: “Dòng sông này không chỉ cuốn đất sản xuất, mà nó còn 2 lần nuốt luôn nhà tôi xuống sông, may là trong nhà không ai bị làm sao. Tôi tính sẽ dời nhà lui vào khoảng 100m, nhưng tình trạng sạt lở xả ra với tốc độ này, chẳng mấy chốc chỗ đất canh tác của gia đình cũng bị sông cuốn mất”.

Ngoài gia đình ông Khương, ông Liệu, ông Hiệu, nhiều hộ dân khác ở Tổ tự quản cũng đang phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì đất sản xuất của họ ngày càng bị thu hẹp bởi nạn sạt lở.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, bờ sông tại khu vực này đã bị sạt lở với chiều dài khoảng 1,5 km, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 18 hộ dân, với khoảng 30.000 m2 đất trong đó, 9 hộ có nhà cách bờ sông chỉ từ 5-7 mét, có nguy cơ mất an toàn cao, cần phải di dời ngay.

Tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đã diễn nhiều năm nay, các cơ quan chức năng huyện Lắk đã nhiều lần thực hiện việc cắm mốc an toàn, quy định khoảng cách an toàn từ bờ sông vào khu vực di dời mới, nhưng một thời gian sau, mốc an toàn cũng bị trôi theo dòng nước do bờ sông bị sạt lở.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hoản, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết: nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở là do vùng đất này pha cát nên kể từ khi Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah (thuộc Công ty thủy điện Buôn Kuốp) vận hành (từ năm 2009) dẫn đến mực nước trên sông chênh lệnh rất lớn và làm sạt lở bờ sông. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp khai thác cát gần khu vực này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở.

Trước tình trạng sạt lở, đe dọa trực tiếp đến tài sản và tính mạng của các hộ dân nơi đây, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ di dời 9 hộ dân có nguy cơ bị sạt lở cao vào khu vực an toàn để đảm bảo về con người và tài sản, đồng thời nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân.

Cùng với đó, Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah từ lúc hoạt động cho đến tháng 7/2017 đã thực hiện 5 đợt  bồi thường hỗ trợ, trong đó đã chi trả được 3 đợt đối với 82 lượt hộ, với số tiền là 6,54 tỷ đồng. Đối với đợt 4 và 5 đang trong quá trình đo đạc, kiểm kê và lập phương án bồi thường hỗ trợ.

Ông Đặng Tấn Phúc, Phó phòng Kỹ thuật, Công ty thủy điện Buôn Kuốp thừa nhận việc vận hành Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah ít nhiều làm cho bờ sông Krông Nô sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân thuộc tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng.

Theo ông Phúc, Công ty đã tiến hành khảo sát, cắm lại mốc an toàn và đồng ý với chính quyền địa phương đưa ra giải pháp ứng trước tiền hỗ trợ đền bù cho 9 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở cao để di dời khẩn cấp đến nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản.

Ông Phúc cũng cho biết, hiện tại, phía Công ty đã tiến hành điều chỉnh việc vận hành Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng chênh lệch mực nước trên sông Krông Nô, giảm thiểu tối đa tác động của việc vận hành Nhà máy thủy điện đến bờ sông Krông Nô.

Tuy nhiên, hiện tại, các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm vẫn chưa thể di dời vào nơi an toàn, do chưa nhận được tiền hỗ trợ đền bù từ Công ty thủy điện.