Lùm xùm một vườn tiêu 2 chủ thu hoạch, can thiệp là bị đuổi đánh

Bà Âu đã nộp hơn 360 triệu đồng để thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận giao khoán, chăm sóc vườn hồ tiêu từ công ty cà phê Ea Ktur. Tuy nhiên, khi có người khác vào vườn của mình “hái trộm”, bà Âu đã nhờ chính quyền địa phương cũng như công ty can thiệp thì không được hỗ trợ.

Vườn tiêu bà Âu nhận khoán đã bị phá hoại

“Ăn trộm” công khai

Trong đơn kêu cứu gửi đến Infonet, bà Đinh Thị Hải Âu (SN 1979, ngụ xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) trình bày rằng, vào ngày 24/1/2019, bà được Công ty TNHH cà phê Ea Ktur (viết tắt là công ty cà phê Ea Ktur) ký hợp đồng, cấp sổ “giao nhận khoán sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp” đối với 7000m2 đất tại thôn 23, xã Ea Ning.

Trên mảnh đất được giao khoán có hơn 700 trụ tiêu đang ở tuổi kinh doanh. Để được nhận giao khoán đất, bà Âu đã nộp hơn 360 triệu đồng thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ đối với công ty cà phê Ea Ktur.

Tuy nhiên, vào ngày 5/2/2019, vườn tiêu của bà bị ông Lê Trường Sơn (ngụ cùng địa phương) chặt phá 12 gốc. Sau đó, bà Âu đã làm đơn gửi chính quyền địa phương, nhờ có biện pháp xử lý ông Sơn về hành vi hủy hoại tài sản nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Đến ngày 15/2/2019, ông Sơn tiếp tục cho người vào thu hoạch hồ tiêu trên khu vực đất bà Âu đã nhận khoán. Vụ việc được bà Âu báo lên UBND xã Ea Ning, lãnh đạo công ty cà phê Ea Ktur. Tuy nhiên, chẳng có ai đứng ra giải quyết để đòi lại công bằng cho người phụ nữ này. Do đó, mấy ngày nay, phía gia đình ông Sơn vẫn cho người vào hái và mang đi rất nhiều sản lượng trong vườn hồ tiêu mà bà Âu đã nhận khoán.

Ngày 18/2, PV Infonet đã đến hiện trường vườn hồ tiêu để ghi nhận thực tế. Tại vườn hồ tiêu mà bà Âu đã nhận khoán có nhiều công nhân bắc thang, rải bạt ni-lông để thu hoạch hồ tiêu. Những người này đều thừa nhận được ông Sơn thuê đến làm việc.

Lãnh đạo công ty cà phê Ea Ktur tỏ ra “vô lo” trước việc người dân tranh chấp

Công ty “mặc kệ”, chính quyền “bất lực”

PV trao đổi với ông Nguyễn Văn Chính-Giám đốc công ty cà phê Ea Ktur về vụ việc, ông Chính cho hay, phía công ty đã nhận được đơn của bà Âu về việc bị ông Sơn phá hoại, chặt 12 trụ tiêu. Sau đó, công ty đã cử nhân viên vào hiện trường nắm bắt tình hình nhưng không thấy ai và ra về.

Về việc ông Sơn cho người vào vườn thu hoạch hồ tiêu, ông Chính cho rằng, ông chưa nhận được đơn mà chỉ nghe bà Âu phản ánh bằng miệng. Dù vậy, ông cũng chỉ đạo nhân viên đến UBND xã Ea Ning, nhờ lực lượng của xã phối hợp để tiến hành thông báo với những người tham gia hái hồ tiêu, giải quyết dứt điểm vụ việc. Tuy vậy, xã Ea Ning không có ai đến, nhân viên của công ty vào hiện trường cũng không thấy ai và lại về.

Cũng lời ông Chính, trước đây phía công ty từng hợp đồng giao khoán thửa đất nói trên đối với ông Sơn. Tuy nhiên, nhiều năm liền, người này không thực hiện các nghĩa vụ tài chính như tiền thuê đất, không nộp sản phẩm giao khoán và không hợp tác khi công ty mời lên làm việc. Do đó, năm 2018, công ty đã chấm dứt hợp đồng, thu lại đất để giao khoán cho bà Âu.

Ông Chính thừa nhận, công ty đã chấm dứt hợp đồng nhưng ông Sơn vẫn cho người vào thu hoạch hồ tiêu là sai. Dù vậy, phía công ty cũng khó giải quyết vì vụ việc phức tạp. “Ngày xưa, khi vào thu hồi lại đất, tôi từng bị ông Sơn đuổi, dọa đánh. Giờ chỉ có người của công ty vào trong lô đất đó cũng khó giải quyết vụ việc. Nếu chính quyền địa phương phối hợp, hỗ trợ thì mọi việc mới êm xuôi được”, ông Chính nói.

Khi PV hỏi về các biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho bà Âu, ông Chính trả lời rằng, trước đó, bà Âu bảo đảm đủ năng lực để quản lý, bảo vệ tài sản nên công ty mới ký hợp đồng giao khoán. Hơn thế, phía công ty đã thu hồi, giao lại đất từ ông Sơn cho bà Âu và đã hoàn thành trách nhiệm từ thời điểm đó.

Ông Chính cũng cho rằng, đáng lý phía công ty sẽ kiện ông Sơn ra tòa để giải quyết. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, ông đã gửi 5 bộ hồ sơ nhưng chưa được tòa giải quyết và nản, không muốn gửi nữa.

Trong buổi làm việc ngày 18/2 với Infonet, ông Chính hứa chiều cùng ngày sẽ cho nhân viên vào đọc thông báo, yêu cầu những người được ông Sơn thuê hái hồ tiêu dừng lại. Tuy nhiên, đến chiều ông Chính lấy lý do đang soạn thông báo và không cử bất kỳ ai vào hiện trường. Đến khoảng 16h cùng ngày, người nhà bà Âu gọi điện cho ông Chính, nhờ can thiệp, ngăn chặn nhóm người hái hồ tiêu thì vị giám đốc trả lời “công ty mất điện”, không soạn được thông báo.

Nhiều người đang hái tiêu trong vườn mà bà Âu đã nộp tiền, nhận giao khoán

Liên quan đến vụ việc, ông Trịnh Hoàng Sơn-Chủ tịch UBND xã Ea Ning cho rằng, sau khi tiếp nhận đơn của bà Âu, ông đã chỉ đạo cho công an xã xuống hiện trường kiểm tra, xác minh. Theo đó, ông Lê Trường Sơn thừa nhận mình là người chặt phá 12 gốc tiêu nhưng công an xã không xử lý được.

Theo vị chủ tịch xã, ông Lê Trường Sơn hiện còn có một bản án của TAND huyện Cư Kuin vào năm 2016. Nội dung bản án yêu cầu phía công ty cà phê Ea Ktur phải tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với ông Sơn đến năm 2023. Như vậy, về mặt pháp lý, ông Lê Trường Sơn vẫn còn giấy tờ để chứng minh mình là chủ sở hữu của lô đất xảy ra tranh chấp. Do đó, lực lượng chức năng của xã không thể xử lý vụ việc này.

Chủ tịch UBND xã Ea Ning trao đổi: “Bà Âu có hợp đồng giao khoán mới, ông Sơn có bản án của tòa. Như vậy, chúng tôi không biết phải xử lý thế nào. Bà Âu, ông Sơn đều có giấy tờ hợp lệ, phía xã không thể khẳng định ai là chủ sở hữu hợp pháp của vườn hồ tiêu nên việc giải quyết gặp bế tắc. Trách nhiệm chính ở đây là do phía công ty cà phê Ea Ktur chứ không phải chính quyền địa phương. Phía công ty chưa giải quyết dứt điểm đối với ông Sơn đã vội giao khoán, thu tiền của bà Âu nên mới xảy ra tranh chấp như hôm nay”.

Hỏi về việc vì sao không lập biên bản, đình chỉ việc gia đình ông Sơn thu hoạch hồ tiêu để tránh xảy ra xung đột, chủ tịch xã Ea Ning vẫn bảo vệ quan điểm rằng, “lỗi do công ty thì công ty phải giải quyết”. Phía chính quyền xã không can thiệp được vụ này mà chỉ tìm cách tuyên truyền, vận động hai gia đình giải quyết mọi chuyện bằng pháp luật.

Lỗi tại công ty?

Theo ý kiến của một luật sư tại Đắk Lắk, năm 2016, TAND huyện Cư Kuin có bản án xét xử, yêu cầu phía công ty cà phê Ea Ktur tiếp tục thực hiện hợp đồng với ông Sơn đến năm 2023. Như vậy, trên thực tế thì giá trị pháp lý của bản án này vẫn còn. Dù trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Sơn vi phạm nghĩa vụ tài chính, bị công ty hủy hợp đồng nhưng bản án vẫn còn hiệu lực. Phía công ty cà phê Ea Ktur chưa thực hiện khởi kiện ra tòa để giải quyết, chấm dứt hợp đồng giao khoán với ông Sơn bằng một bản án khác mà ký hợp đồng với bà Âu là chưa đúng, chưa đầy đủ thủ tục dẫn đến ra tranh chấp.

Theo một lãnh đạo UBND huyện Cư Kuin, hiện phía huyện có nắm thông tin vụ việc qua điện thoại do Chủ tịch UBND xã Ea Ning báo lên. Tuy nhiên, phía công ty cà phê Ea Ktur chưa có báo cáo nào. Qua đó, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Ea Ning phải đảm bảo an ninh trật tự, tránh những xung đột gây ra hậu quả đáng tiếc.

Về quan điểm giải quyết vụ việc, lãnh đạo UBND huyện Cư Kuin cho rằng, công ty đã ký hợp đồng giao khoán với các hộ dân thì phải có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp phát sinh. Đó là đất của công ty, vụ việc cũng đang trong tầm giải quyết của công ty nên huyện không thể tự ý cử lực lượng can thiệp được. “Nếu giải quyết thỏa đáng, tôi nghĩ phải khởi kiện ra tòa để phân xử theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho các bên”, lãnh đạo huyện Cư Kuin cho hay.