Múa đám cưới kiếm tiền đi thi

Sáng 28/6, thí sinh Phan Thị Đài Trang (học sinh Trường THPT Trường Chinh, huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) đã có mặt tại TP Buôn Ma Thuột để chuẩn bị dự thi THPT.

Nghề múa đám cưới đến với cô học trò đạt giải nhì môn Địa lý cấp tỉnh năm lớp 12 khá tình cờ. Hôm trước, buổi chiều lên xe về Buôn Ma Thuột, buổi sáng Trang vẫn “chạy show” múa cho một đám cưới để kiếm tiền đi thi.

“Hồi nhỏ mình hay tham gia múa văn nghệ ở thôn, xã, chủ yếu là những bài hát dân gian, bài hát về tình yêu quê hương đất nước. Hè lớp 10, gia đình khó khăn, mình tìm việc làm thêm nên được mấy cô chú quen biết giới thiệu đi múa đám cưới. Rồi mình làm từ đó đến nay” – cô thí sinh có gương mặt sáng trưng, nụ cười thật tươi kể lại.

Sau khi ôn bài thi, Trang cũng tranh thủ ôn lại bài múa để thi xong về tiếp tục công việc.

Sau khi ôn bài thi, Trang cũng tranh thủ ôn lại bài múa để thi xong về tiếp tục công việc.

Đi múa kiếm tiền nhưng Trang thừa nhận chỉ “coi tivi người ta múa sao mình múa vậy chứ không học ở đâu cả”.

“Sau khi cô dâu chú rể làm lễ xong là mình và một bạn nữa ra sân khấu. Có khi múa nhạc Ấn Độ, có khi múa nhạc đám cưới nhẹ nhàng hơn tùy yêu cầu của khách hàng. Mỗi buổi như vậy chủ nhà trả công 500.000 đồng cho hai người” – Trang kể.

Những hôm được mời đi múa trùng với ngày đi học, Trang bảo: “Bên ngoài vẫn mặc áo khoác theo quy định của trường nhưng bên trong mặc… trang phục Ấn Độ. 10h20 tan học, mình chạy vù đến đám cưới cho kịp giờ diễn lúc 11h”. Vì sự bất tiện đó, những ngày đi học Trang “không nhận show ở xa dù… rất tiếc”.

Cuối tuần nghỉ học, Trang đi múa cách nhà 30-40 km. Khi ấy tiền công trả cho hai người thường là 600.000-700.000 đồng.

Vừa đi múa vừa đi học nhưng kết thúc năm học lớp 12 điểm tổng kết môn văn của Trang đạt 8,0, môn lịch sử 8,6 và môn địa 8,5. Điểm tổng kết cả năm học là 7,0.

Đang say sưa nói về múa, về học tập nhưng nhắc đến hoàn cảnh gia đình cô học trò nhỏ ứa nước mắt: “Mình thường xuyên… khóc trên lớp. Các bạn ở lớp đi học về có ba mẹ nấu cơm sẵn, còn mình phải tự lo. Biết hoàn cảnh mình khác nhưng đôi lúc vẫn thấy tủi thân”.

Nhà Trang có 4 anh chị em, Trang là út. Mẹ và các anh chị đều đi làm, đi học xa nhà tận TP.HCM. Ở nhà, Trang và ba không ở cùng nhau.

“Ba mình ở nhờ nhà của người bác. Nhà có nhiều người nữa, thấy ở chung không tiện nên ba thuê phòng trọ gần trường cho mình. Mình ở một nơi, ba một nơi, mẹ và các anh chị một nơi. Nhiều lúc thấy nhớ mọi người lắm nhưng chỉ biết cố gắng học tốt, đi làm kiếm tiền tự lo cho mình” – Trang kể.

Thuộc diện nhà cận nghèo, Trang được nhà trường giảm 50% học phí. Còn học phụ đạo, nhà trường miễn phí cho cô. Hôm đạt giải nhì môn địa lý cấp tỉnh, Trang được thưởng 200.000 đồng. Thầy giáo ôn thi học sinh giỏi cho Trang được thưởng 250.000 đồng cũng tặng lại cho cô như lời động viên từ người thầy.

Nhìn về tương lai, ngoài việc mong có công việc ổn định phụ giúp gia đình, Trang bảo ước mơ của cô là sau này được làm việc trong ngành Du lịch.

“Mình thích tổ chức những hoạt động, chăm sóc hành khách trong những chuyến đi tham quan. Nhưng trước mắt, kết thúc những ngày thi, mình phải trở về tiếp tục công việc múa ở các đám cưới” – cô học trò tâm sự.

Nguồn Hà Bình/Báo Tuổi Trẻ