Nan giải tình trạng tảo hôn và đông con ở Cư San

Xã Cư San (huyện M’Đrắk) hiện có 1.546 hộ với 7.700 khẩu, có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 99,8% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người dân tộc thiểu số phía Bắc di cư, đa số là dân tộc Môn). Điều đáng nói là toàn xã hiện có đến 72% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo là do nhận thức của người dân về dân số – KHHGĐ còn nhiều hạn chế, tình trạng tảo hôn, sinh con nhiều, sinh con dày vẫn xảy ra phổ biến.

Từ đầu năm 2016 đến nay, xã Cư San có 17 cặp vợ chồng kết hôn chưa đủ tuổi theo Luật Hôn nhân và gia đình. Trên thực tế, số cặp tảo hôn còn nhiều hơn bởi công tác thống kê, kiểm tra từ cấp cơ sở chưa sâu sát, người dân không khai báo hoặc cán bộ cơ sở biết nhưng vẫn bỏ qua do nể nang, chỉ đến khi con của các cặp “vợ chồng nhí” tới tuổi đi học, họ đến xã làm giấy khai sinh cho con thì xã mới thống kê. Có thể thấy hệ lụy tất yếu của những cặp vợ chồng cưới nhau ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” là đói nghèo, con cái sinh ra còi cọc, thất học. Như trường hợp gia đình anh Giàng Seo Dìn và chị Thào Thị Sự (thôn 8). Cưới vợ khi chưa đầy 17 tuổi, đến nay 35 tuổi anh Dìn đã phải làm cha của 5 đứa con. Vợ chồng quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống gia đình vẫn thiếu trước hụt sau, con cái nheo nhóc phải bỏ dở việc học vì không có điều kiện. Tiếp nối bố, người con trai đầu của anh Dìn cũng kết hôn và sinh con khi 17 tuổi. Thế là, dù cuộc sống vô cùng chật vật nhưng vợ chồng anh Dìn vẫn phải nuôi thêm cả gia đình người con trai, cả vợ lẫn chồng đều ở cái tuổi còn trẻ dại. Điều đáng nói là nhận thức về Luật Hôn nhân và gia đình của nhiều bạn trẻ ở đây còn rất hạn chế. Cách đây không lâu, một câu chuyện đau lòng đã xảy ra tại thôn 7 (xã Cư San) bắt nguồn từ hệ lụy của nạn tảo hôn. Hơn 3 tháng trước, người con trai út của ông Hầu Seo Nhà là Hầu Seo Sử (18 tuổi) xin cưới cô bé Giàng Thị Lá (15 tuổi) về làm vợ. Thấy Lá chưa đủ tuổi kết hôn và cả hai đều chưa có công việc ổn định nên gia đình không đồng ý. Bất mãn với gia đình, Hầu Seo Sử đã lên rừng ăn lá ngón để tự tử. Một tuần sau, Giàng Thị Lá cũng uống thuốc sâu để kết liễu cuộc đời.

1469413273-6571-tao-hon-va-dong-con-o-cu-san

Cán bộ dân số đến tuyên truyền, vận động KHHGĐ tại một gia đình đông con ở xã Cư San. Ảnh: Võ Thảo

Song song với tình trạng tảo hôn, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở xã Cư San cũng diễn ra khá phức tạp. Ở xã Cư San, không khó gặp những gia đình sinh 7 – 8 người con. Theo số liệu tổng hợp từ Ban Dân số – KHHGĐ xã Cư San, năm 2014 toàn xã có 65 trẻ được sinh ra là con thứ 3 trở lên, năm 2015 là 85 trẻ; và riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn xã đã có 29 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Các gia đình đông con hầu hết đều ở trong tình trạng đói nghèo, con cái nheo nhóc, thất học, suy dinh dưỡng. Như chị Cư Thị Mỷ (thôn Ea Krông) hiện có đến 9 đứa con, trong đó đứa bé nhất mới được 1 tuổi. Nghèo đói, con cái nheo nhóc nhưng vợ chồng chị Mỷ vẫn quan niệm “Sinh nhiều để có người lên rẫy làm việc”. Dù được cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số nhiều lần đến tư vấn, vận động kế hoạch hóa gia đình nhưng vợ chồng chị Mỷ vẫn chưa áp dụng biện pháp tránh thai. Gia đình chị Cư Thị Chía (thôn 11) cũng trong hoàn cảnh tương tự khi có đến 8 đứa con, đứa nhỏ nhất mới sinh đầu năm 2016. Cuộc sống gia đình chị vô cùng khó khăn, chật vật.

Để ngăn chặn nạn tảo hôn và giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp để tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân như: treo băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức Chiến dịch cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; tư vấn nhóm, truyền thông trực tiếp hộ gia đình; tuyên truyền cho người dân về hệ lụy của nạn tảo hôn… song hiệu quả rất hạn chế. Tình trạng sinh con thứ 3 ở đây vẫn có nguy cơ tăng lên bởi hiện tại xã Cư San vẫn có 695 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa sử dụng biện pháp tránh thai.

Nạn tảo hôn, sinh đông con đang là bài toán nan giải trong công tác dân số-KHHGĐ ở xã Cư San hiện nay. Thiết nghĩ, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức người dân, rất cần sự vào cuộc kiên quyết và đồng bộ của chính quyền địa phương các cấp; đồng thời cần áp dụng nghiêm chế tài xử lý các vi phạm tảo hôn và chính sách KHHGĐ…

Nguồn Baodaklak.vn