Người cần mẫn gom rác ở buôn Koh Neh

Nhiều năm nay, người dân Koh Neh, xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) đã quen với hình ảnh người đàn ông ngồi trên xe máy kéo theo thùng rác “lưu động” đi thu gom rác thải tại khu vực chợ xã và các hộ trong buôn. Đó là ông Nguyễn Văn Tuyên (62 tuổi) đã có gần 18 năm làm công việc thu gom rác thải, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường ở địa phương.

1465616334-9118-n-man-gom-rac-o-buon-koh-neh

Ông Nguyễn Văn Tuyên đang thu gom rác.

Ông Tuyên đảm nhận việc thu gom rác thải tại chợ xã Cuôr Đăng và buôn Koh Neh từ năm 1998. Mô hình thu gom rác thải ở xã Cuôr Đăng cũng là một trong những mô hình gom rác đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện Cư M’gar. Trước đây, ngoài ông Tuyên còn có hai thành viên khác cùng tham gia thu gom rác thải song chỉ làm được một thời gian, những người khác đều xin nghỉ với nhiều lý do khác nhau, chỉ có ông Tuyên vẫn gắn bó với công việc này đến nay. Mỗi tuần 3 lần, ông Tuyên lại lái chiếc xe máy cũ kéo theo thùng rác “lưu động” đi đến từng hộ trong buôn Koh Neh để thu gom rác thải sinh hoạt. Thùng rác được gắn sau xe máy nên có thể dễ dàng di chuyển vào những ngõ hẻm đưa rác đến nơi tập kết quy định. Ông Tuyên phải mất cả ngày mới gom hết rác của 150 hộ rồi vận chuyển rác về xử lý tại bãi rác của xã cách buôn khoảng 2 km. Tối đến, ông Tuyên lại thu gom rác ở khu vực trong chợ xã. Chợ Cuôr Đăng được xây dựng năm 2010 trên địa bàn buôn Koh Neh có diện tích 2.550 m2, gồm 108 ki-ốt trong khu chợ lồng cho tiểu thương kinh doanh nên lượng rác thải ra mỗi ngày rất lớn. Gần 18 năm gắn bó với công việc này, ông Nguyễn Văn Tuyên rành từng gian hàng, từng lối đi và từng ngóc ngách của chợ. Hằng ngày, ông bắt đầu công việc từ 18 giờ nhưng phải đến hơn 20 giờ mới thu gom rác xong. Nói về công việc của mình, ông Tuyên bộc bạch: “Tôi quê ở Thừa Thiên Huế, sau đó vào Phú Yên lập nghiệp làm ăn không được tôi chuyển lên đây sinh sống. Thấy việc thu gom rác thải trong chợ không ai làm thì tôi đăng ký làm luôn. Tôi quan niệm làm việc gì thì mình cũng phải tận tâm, tận lực, dù việc của mình chỉ là gom rác thải đến nơi tập kết nhưng thấy môi trường trong buôn, trong xã không còn ô nhiễm, cảnh quan sạch đẹp hơn, trong lòng tôi rất vui, nhất là ý thức của bà con về giữ gìn vệ sinh môi trường đã được nâng lên rất nhiều. Ngày trước, chỉ có 50 hộ đăng ký tham gia mô hình gom rác, đến bây giờ thì đã tăng lên đến 150 hộ rồi”.

Nguồn Baodaklak.vn