Người dân hoang mang vì hàng ngàn trụ tiêu rụng trái sau khi xịt phân bón lá cao cấp

Hơn một tháng vừa qua, tại huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk) nhiều hộ dân xịt thuốc bảo vệ thực vật để dưỡng trái và bón lá cho cây hồ tiêu những cây hồ tiêu nào được xịt thuốc bỗng nhiên vàng úa, trái rụng trắng dưới gốc.

1469760442-6569-u-khi-xit-phan-bon-cao-cap-3

Vườn tiêu rụng hết trái của gia đình bà Hoa không còn có khả năng thu hoạch

Những trái hồ tiêu cuối cùng

Vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Tuệ (46 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hoa (46 tuổi, ngụ thôn Thạch Sơn, xã EaMroh, huyện Cư Mgar) bị thiệt hại nặng nề từ việc phun thuốc bảo vệ thực vật. Ông Tuệ cho biết: “Gia đình tôi có 1500 trụ tiêu, mỗi năm thu hơn 2,5 tấn.

Trước khi xảy ra sự việc vài ngày, vợ chồng tôi có ra Đại lý Vật tư nông nghiệp Trông Từ (số 74, đường Hùng Vương, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar) mua thuốc bảo vệ thực vật về xịt để chống rụng trái và dưỡng lá cho cây hồ tiêu.

Tại đây, tôi được nhân viên của đại lý hướng dẫn và bán cho hai loại thuốc trừ sâu MOTOX dung tích 100ml của Công ty CPSXTM DV Ngọc Tùng và phân bón lá cao cấp VITAZYME dung tích 100ml của Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang.

Nhân viên này tiếp tục hướng dẫn trộn hai loại thuốc này vào với nhau để xịt theo tỷ lệ: 2 chai/1 thùng phuy nước. Mặc dù, tôi đã hỏi rất kỹ là hai loại thuốc này có ảnh hưởng tới tiêu không thì một nhân viên tên Tý khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Cứ trộn vào xịt, nếu có gì thì tôi sẽ chịu trách nhiệm”.

Trước lời bảo đảm về hậu quả của nhân viên đại lý Trông Từ, vợ chồng ông Tuệ đã mua 20 chai thuốc về xịt cho toàn bộ vườn tiêu của mình. Trong 4 ngày cật lực xịt thuốc bằng máy nén áp suất cao, hơn 10 chai thuốc đã được ông Tuệ phủ kín trên toàn bộ khu vườn tiêu hơn 1500 trụ.

1469760442-2880-u-khi-xit-phan-bon-cao-cap-5

Bà Hoa xót xa chỉ tiêu rụng trắng gốc

 

Đinh ninh là thuốc tốt nên vài ngày sau vợ chồng ông Tuệ ra khu vườn để kiểm tra hiệu quả của thuốc. Tuy nhiên, khi vừa có mặt thì vợ chồng ông bỗng bủn rủn chân tay khi phát hiện toàn bộ trái hồ tiêu đang trong giai đoạn phát triển bị rụng trắng dưới gốc.

Hiện tượng rụng trái xảy ra với tốc độ nhanh chóng mặt, chưa được vài ngày nhưng những cây tiêu cao hơn 8m chỉ còn lại vài trái loe ngoe nấp sau những tán lá đã vàng úa.

Ngày 18/7, ông Tuệ mang số thuốc còn lại ra Đại lý Vật tư nông nghiệp Trông Từ để khiếu nại. Tuy nhiên, ông Tuệ được người đại diện của đại lý này trả lời không phải lỗi do thuốc mà là do người sử dụng không đúng cách.

Lấy lí do có thể do trời nắng, trái tiêu còn non hoặc ông Tuệ đã phun thuốc quá liều nên mới xảy ra hiện tượng rụng trái hàng loạt như vậy. Trước sự thoái thác trách nhiệm của người đại diện, ông Tuệ đã bức xúc “đại náo” tại đại lý Trông Từ và trả lại một số chai thuốc chưa xịt.

Đại diện công ty thuốc bảo vệ thực vật “rút êm” khi thấy phóng viên

Với sự khiếu nại quyết liệt của ông Tuệ, ngày 19/7, Đại lý Vật tư nông nghiệp Trông Từ đã cử người đại diện đến vườn tiêu của ông Tuệ để kiểm tra. Trước hiện tượng đài, hạt tiêu rụng ồ ạt một cách “không phanh”, đại diện của đại lý yêu cầu ông Tuệ không được phun bất kỳ loại thuốc gì trong vòng 10 ngày tới để cho người tiến hành phục hồi lại vườn tiêu.

Nói về điều này, bà Hoa nghẹn ngào: “Giờ đại lý có phục hồi được thì cũng làm được gì. Vì toàn bộ đài và trái tiêu đã rụng gần hết thì lấy gì mà thu. Với lại, trong vòng 10 ngày thì chắc chỉ còn lá và dây chứ trái còn đâu nữa mà phục hồi.

Chứng kiến cảnh tiêu rụng hàng ngày mà tôi như đứt từng đoạn ruột. Để khắc phục hậu quả tạm thời vợ chồng tôi phải xách từng xô nước để tưới từng gốc tiêu với hy vọng có thể cứu vãn được. Tôi không biết đây là thuốc thật hay thuốc giả mà lại gây ra hậu quả như vậy.

Thuốc trừ sâu và phân bón lá cao cấp dưỡng trái gì mà xịt lên lại rụng không còn một trái. Thậm chí, cây cối xung quanh bị xịt trúng cũng trở nên héo úa, cụp ngọn. Vườn tiêu là nguồn thu nhập chính để nuôi sống cả gia đình nhưng giờ như thế này thì không biết gia đình tôi sống bằng cách gì”.

1469760442-6560-u-khi-xit-phan-bon-cao-cap-4

Bà Hoa khóc nấc bên vườn tiêu rụng hết của mình

 

Được biết, vào 5h30 sáng ngày 21/7, Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang chi nhánh tại Đắk Lắk đã cử người đại diện vào tận nhà để chở ông Tuệ đi xịt phân bón lá cao cấp VITAZYME thí điểm tại một diện tích tiêu ở rẫy khác.

Ông Tuệ nói: “Điều đáng nói, khi bán thuốc cho tôi, nhân viên của đại lý còn nói rằng phân bón lá cao cấp VITAZYME là phân sinh học nên vô hại. Thậm chí, người còn có thể uống được nên không có ảnh hưởng gì đến cây trồng.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được nghe thuốc dùng cho cây trồng mà người có thể uống được. Tôi sẽ tiếp tục làm đơn gửi đến Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Phòng cảnh sát kinh tế tỉnh Đắk Lắk để nhờ can thiệp. Hiện tượng rụng trái có phải là do thuốc hay không thì cứ chờ kết luận của cơ quan chức năng”.

Khoảng 10h30 cùng ngày, người đại diện của Công ty CP thuốc bảo vệ thực vật An Giang chở ông Tuệ trở về khu vực rẫy tiêu bị thiệt hại nặng nề sau khi phun thuốc.

Tại đây, một cuộc “gặp mặt” bất ngờ giữa vị đại diện của công ty cùng với nhóm phóng viên đang tác nghiệp tại hiện trường đã khiến cho vị đại diện này trở nên lúng túng. Chưa kịp để phóng viên phỏng vấn, vị đại diện của công ty đã nhanh chân lên xe chạy khỏi vườn tiêu.

Được biết, sau khi xảy ra sự việc, ông Tuệ đã làm đơn cầu cứu chính quyền địa phương. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Viết Lai (Chủ tịch UBND xã Ea Mroh) thông tin: “Nhận được tin báo của ông Tuệ, địa phương đã chỉ đạo cho công an xã lên kiểm tra lập biên bản hiện trường và thu giữ hơn 10 vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật”.

Không chỉ gia đình ông Tuệ, gia đình anh V.V.S. (xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar) cũng thiệt hại nặng nề sau khi mua thuốc bảo vệ thực vật dưỡng trái tại đại lý Trông Từ. Anh V.V.S. cho hay: “Cách đây hơn một tháng, tôi có mua của đại lý Trông Từ một loại thuốc dưỡng trái về phun cho gần 1ha tiêu và một cây me.

Nhưng chỉ vài ngày sau, tiêu và cây me rụng trái trắng gốc. Trước tình trạng này, tôi có lên báo với đại lí và yêu cầu họ xuống kiểm tra. Thế nhưng họ không mảy may để ý đến lời cầu cứu của tôi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hộ gia đình ông N.V.P. (ngụ xã Ea Tar, huyện Cư Mgar) cũng tìm đến báo chí để phản ánh việc 700 trụ tiêu của gia đình bị rụng trắng trái sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật.

Bà Huỳnh Thị Trâu (Chủ Đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ) xác nhận: “Ông Tuệ có mua 2 loại thuốc bảo vệ thực vật nói trên tại đại lí của chúng tôi. Ông Tuệ cho rằng, tiêu bị rụng đài, trái là phân bón lá cao cấp VITAZYME gây ra.

Chúng tôi làm đại lí phân phối cấp 1 cho Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang và đã phân phối mặt hàng này nhiều năm. Sau khi nhận được thông tin, tôi và đại diện Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang có vào kiểm tra thì thấy diện tích tiêu của ông Tuệ bị rụng trái, đài là do hiện tượng sinh lí gây ra”.

1469760442-1508-u-khi-xit-phan-bon-cao-cap-6

Bà Trâu cho biết nguyên nhân tiêu rụng là do người nông dân phun quá liều lượng

Theo bà Trâu, nguyên nhân dẫn đến tiêu rụng trái, đài có thể do phun quá liều lượng, phun khi thời tiết quá nắng. Cũng có khả năng, trước khi phun hai thuốc nói trên, người dân dùng thùng phun thuốc cỏ mà không súc sạch.

Về việc nhân viên của đại lí khẳng định với ông Tuệ rằng, phân bón lá cao cấp VITAZYME là sản phẩm sinh học, người cũng có thể uống, bà Trâu phủ nhận: “Đó chỉ là lời nói đùa cho vui”.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang tại Đắk Lắk, khẳng định: “Đại lý Vật tư Nông nghiệp Trông Từ là đại lí phân phối hàng của công ty chúng tôi. Sản phẩm của chúng tôi là hàng thật và được sự kiểm định, giám sát của cơ quan chức năng, đã có mặt trên thị trường nhiều năm nay. Do vậy, trước phản ánh của ông Tuệ, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra lại nguyên nhân dẫn đến tiêu rụng trái, đài”.

Nguồn Tamsugiadinh.vn