Người lao động bị lừa hàng trăm triệu đồng

Để được làm việc tại Trung tâm giao dịch (TTGD) Đắc Lắc thuộc Tập đoàn Hợp Nhất VN (HNC) với mức lương 2 triệu đồng/tháng, người lao động phải nộp từ 5 – 40 triệu đồng ký quỹ.

Sau nhiều tháng ăn cơm nhà làm việc công ty, 16 nhân viên đã bị quỵt gần 300 triệu đồng, gồm cả lương, tiền ký quỹ, tiền cho giám đốc vay mượn với danh nghĩa trung tâm.

Lắm chiêu lừa tiền người lao động

Chị Nguyễn Thị Chung – trú tại xã Đắc Gằn, huyện Đắc Mil, Đắc Nông – cho biết: “Đầu năm 2011, được người quen giới thiệu, tôi xin vào làm việc tại TTGD Đắc Lắc của HNC. Sau khi thu của tôi 15 triệu đồng tiền ký quỹ, họ không làm hợp đồng lao động mà chỉ lập bản cam kết về công việc, tiền lương. Theo đó, công việc của tôi là giao nhận thư từ, bưu phẩm với mức lương 2 triệu đồng/tháng cộng thêm 20% hoa hồng/khách hàng mới. Ngoài ra, Giám đốc TTGD Đắc Lắc là ông Nguyễn Thanh Hạnh còn viết giấy mượn của tôi 9 triệu đồng. Tôi làm được 3 tháng thì xin nghỉ, nhưng ông Hạnh không thanh toán tiền lương, tiền ký quỹ cũng như số tiền đã mượn của tôi”.

Bà Dương Thị Nhung – trú xã Ea Pô, Cư Jút, Đắc Nông – cũng nộp cho TTGD Đắc Lắc 15 triệu đồng “đặt cọc” cho con trai là Đậu Đình Tuấn được ký hợp đồng làm việc. Ngoài tiền “đặt cọc”, Giám đốc Nguyễn Thanh Hạnh còn “mượn” thêm 3 triệu đồng của bà Nhung, sau đó “mượn” luôn tiền lương của Tuấn. Một nạn nhân khác là chị Nguyễn Thị Phương – trú phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột – cho biết: “Thời gian làm việc của mỗi người khác nhau, nhưng bình quân mỗi người làm khoảng 4 tháng, tất cả đều không được nhận lương”. Tổng hợp từ đơn tố cáo của 16 nạn nhân cho thấy, Nguyễn Thanh Hạnh đã quỵt tiền thế chân, tiền vay mượn, tiền lương của người lao động khoảng gần 300 triệu đồng. Khi người lao động nghỉ việc, đòi các khoản tiền trên thì Hạnh nêu lý do HNC chưa chuyển tiền cho TTGD Đắc Lắc hoạt động và viết giấy hẹn trả, sau đó tránh mặt.

HNC phải chịu trách nhiệm

Trao đổi với PV Lao Động qua điện thoại, ông Nguyễn Xuân Sơn – Trưởng ban Kế hoạch của HNC – cho hay: “HNC không có chủ trương thu tiền thế chân của nhân viên, hằng tháng vẫn chuyển trả đầy đủ kinh phí cho TTGD Đắc Lắc. Vì vậy cá nhân ông Nguyễn Thanh Hạnh phải chịu trách nhiệm về các khoản thế chân, tiền lương, tiền mượn của người lao động. Sau khi sự việc xảy ra, tập đoàn đã sa thải ông Hạnh, bổ nhiệm giám đốc mới”. Để rõ hơn về TTGD Đắc Lắc, chúng tôi đến số 313 Hùng Vương, phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột. Giám đốc mới là ông Lương Văn Long cho biết, hiện nay trung tâm vẫn hoạt động bình thường.

Toàn bộ nhân viên đều được nhận lương, được đóng BHXH và BHYT, không phải nộp bất cứ khoản tiền nào. Như vậy, việc ông Nguyễn Thanh Hạnh quỵt tiền lương, tiền ký quỹ, tiền vay của 16 nhân viên là có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn luật sư Phan Ngọc Nhàn – Trưởng VP luật sư Thanh Nhàn, Đoàn luật sư Đắc Lắc – cho rằng: “Dấu hiệu lừa đảo của Nguyễn Thanh Hạnh là khá rõ ràng, nhưng ông Hạnh lừa được người lao động là do được HNC bổ nhiệm làm Giám đốc TTGD Đắc Lắc. Vì vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì trong trường hợp này, HNC cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người lao động do hành vi của ông Nguyễn Thanh Hạnh gây ra”.

Nguồn Báo Lao Động