Người nghèo phải đóng tiền mới được hỗ trợ… bò!?

Theo phản ánh của một số hộ dân ở xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) để được nhận bò hỗ trợ cho hộ nghèo theo Chương trình 135, họ phải đóng một khoản tiền từ 1 – 5 triệu đồng…

Anh Y Thoen Ê ban ở buôn Cuôr (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) cho biết, vào đầu tháng 12-2016, vợ chồng anh cùng hàng chục hộ nghèo của xã rất phấn khởi khi biết tin sẽ được nhận bò theo Chương trình 135 để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, sau đó anh lại được thông báo là phải đóng 2 triệu đồng mới được nhận bò. Là hộ nghèo của xã, lại có một đứa con nhỏ bị tật nguyền nên với gia đình anh Y Thoen 2 triệu đồng là một khoản tiền không hề nhỏ. Đem thắc mắc này hỏi chính quyền địa phương thì anh Y Thoen được cán bộ xã thông tin: Gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, trong khi đó con bò trị giá 12 triệu đồng nên anh phải đóng thêm 2 triệu. Chạy vạy vay mượn được tiền để nhận bò thì Y Thoen lại thêm một lần thất vọng khi con bò gia đình anh nhận vừa nhỏ vừa yếu ớt. Theo anh Y Thoen, con bò này nếu mua ngoài thị trường chỉ có giá khoảng 7 – 8 triệu đồng.

Trường hợp gia đình bà H’Miếu Kbuôr ở buôn Cuôr, mới thoát nghèo được hơn 1 năm, phải đóng đến 5 triệu đồng mới được nhận bò hỗ trợ. Gom góp được 1 triệu đồng, cộng với khoản tiền vay “nóng” 4 triệu đồng (với mức lãi suất 4.000 đồng /1 triệu đồng/ngày), bà H’Miếu cũng nhận được con bò ốm yếu, phải tốn thêm một khoản tiền để mua thuốc chữa bệnh cho bò.

dak-lak-nguoi-ngheo-phai-dong-tien-moi-duoc-ho-tro-bo

Đây là con bò mà anh Y Thoen được nhận, theo anh nếu tự đi mua thì giá từ 7-8 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên về những bức xúc của người dân, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’droh cho biết: Ngày 29-11-2016, UBND huyện Cư M’gar đã ra Quyết định số 1004/QĐ- UBND về việc phê duyệt dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 năm 2016 của UBND xã Ea M’droh. Theo quyết định này, trên địa bàn xã có 22 hộ (trong đó 21 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo) tham gia dự án hỗ trợ giống vật nuôi để phát triển sản xuất. Tổng kinh phí thực hiện là 319,061 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 220,539 triệu đồng tiền mua bò và 4,461 triệu đồng tiền tập huấn; các hộ dân đóng góp 94,061 triệu đồng. Cũng theo Quyết định 1004, giá tiền mua bò được phê duyệt là 110.000/kg. Thực tế Nhà nước chi 10 triệu đồng và người dân đóng góp khoảng 2 triệu đồng, tương đương 12 triệu đồng/con bò. Như vậy, một con bò được cấp sẽ có trọng lượng khoảng 100 kg.

Trước những bức xúc của người dân, ngày 21-4-2017, UBND huyện Cư M’gar đã có Công văn số 111/BC-UBND về kết quả xác minh nội dung mà người dân xã Ea M’droh phản ánh. Công văn này khẳng định: Qua kiểm tra thực tế, hầu hết bò giống được cấp theo Dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 năm 2016 đã phát triển tốt, một số bò giống đã mang thai bê con. Tuy nhiên, có một số hộ do không chăm sóc đúng kỹ thuật, chuồng trại không được vệ sinh sạch sẽ, nguồn thức ăn không bảo đảm nên bò phát triển kém hơn so với hộ chăn nuôi đúng quy trình. Về trọng lượng bò, những con bò giống mua bằng ngân sách Nhà nước đều đạt trọng lượng 120kg/con, còn những con bò giống có vốn đóng góp của các hộ dân đều đạt trọng lượng từ 130 kg -150 kg/con.

Về việc huy động hộ nghèo đóng thêm tiền để mua bò của xã Ea M’droh, công văn của UBND huyện cho rằng: “đã được sự đồng thuận của người dân nhằm góp phần tăng hiệu suất đầu tư của chương trình và nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, UBND xã Ea M’droh chưa nắm bắt được thông tin nguồn vốn người dân đóng góp là tự có hay phải vay mượn nên chưa phối hợp tốt với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar trong việc đề nghị cho các hộ dân vay vốn để lồng ghép thực hiện, dẫn đến tình trạng một số hộ dân phải vay lãi để có tiền nộp”.

Ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về việc người dân xã Ea M’droh phải đóng tiền để nhận bò kém chất lượng, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Trạm Chăn nuôi thú y tiến hành kiểm tra, xác minh và làm rõ nội dung người dân phản ánh. Huyện cũng đã yêu cầu UBND xã Ea M’droh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện. Với trường hợp các hộ dân không đủ điều kiện chăn nuôi sẽ tiến hành thanh toán vốn đóng góp và các chi phí liên quan để thu hồi bò giống chuyển cho hộ khác cùng đối tượng (hộ cận nghèo năm 2016).

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại Thông tư liên tịch 05, ngày 18-11-2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn quy định: “Nguồn vốn đầu tư gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương trực tiếp cho Chương trình 135. Nguồn vốn huy động đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; không huy động đóng góp bằng tiền mặt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo”.

Vậy việc huy động vốn của hộ nghèo để mua bò giống hỗ trợ theo Chương trình 135 của UBND xã Ea M’droh có đúng hay không? Câu trả lời thiết nghĩ đã quá rõ ràng!