Người trồng cà phê được vay vốn ưu đãi

Hộ gia đình, cá nhân được vay vốn lưu vụ để chăm sóc trong thời kỳ đã thu hoạch đối với các loại cây công nghiệp.

Kể từ tháng 9/2014 này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh tại Đắk Lắk triển khai gói tín dụng mới.

Đó là cho vay lưu vụ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vốn để chăm sóc trong thời kỳ đã thu hoạch đối với các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, điều.

Trao đổi với phóng viên, ông Y Năm Niê, dân tộc Ê Đê ở buôn Păl B, xã Ea Phê huyện Krông Pách tỏ ra vui vẻ khi nói về gói tín dụng mới mà ngân hàng này dành cho nông dân. Ông nói: “Khoản vay này rất hợp lý. Chúng tôi có thể vay dài hạn, và chỉ trả lãi, khi nào thu hoạch cà phê, mới trả gốc. Bà con vay ở đây cũng đỡ hơn vay ở bên ngoài để tập trung đầu tư bền vững cho cây cà phê và cây tiêu”.

Y Brit Niê đưa cán bộ tín dụng kiểm tra vườn cà phê

Y Brit Niê đưa cán bộ tín dụng kiểm tra vườn cà phê

Ông Y Năm Niê cho biết: Hầu hết người trồng cà phê ở buôn Păl B đều vay vốn của ngân hàng. Khi đến thời điểm trả vốn vay, nhiều người phải ngậm ngùi bán cà phê trong thời điểm giá đang thấp. Muốn giữ sản phẩm đợi giá lên, nhưng không biết lấy đâu ra tiền trả ngân hàng. Trước đây, ông Y Năm Niê và nhiều người khác trong buôn phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất gấp 10 lần so với ngân hàng để đáo nợ khi đến kỳ trả.

Chị Phạm Thị Phước Hải ở thôn 1 xã Tân Tiến huyện Krông Pách vừa được vay 160 triệu đồng từ gói tín dụng vốn vay lưu vụ. Chị cho biết số tiền này sẽ đầu tư chăm bón vườn cà phê 1,6 ha, đồng thời trồng xen thêm cây lấy gỗ trong vườn cà phê.

“Khi được vay như vậy, bà con nông dân đỡ phải đi vay vốn bên ngoài, nếu vay bên ngoài giá lãi suất rất cao. Hơn nữa khi đến vụ phải thanh toán cho ngân hàng, người nông dân chưa thể xoay được vốn cho nên phải vay bên ngoài, mà vay như vậy lãi suất rất là cao”, chị Hải nói.

Ông Vương Hữu Cầu ở thôn 3 xã Tân Tiến có trang trại rộng 3 ha, gồm các loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê và ao nuôi cá. Ông Cầu cho biết: Gia đình ông đã kết thân với nguồn vốn ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn nhiều năm nay. Có được cơ nghiệp trị giá hàng tỷ đồng hiện nay là mồ hôi công sức của gia đình ông trong hàng chục năm ròng, nhưng trong đó có phần đóng góp từ nguồn vốn vay của ngân hàng.

Y Năm Niê và các khách hàng đến chi nhánh Agribank tại Kroong Pách vay tiền đáo nợ

Y Năm Niê và các khách hàng đến chi nhánh Agribank tại Kroong Pách vay tiền đáo nợ

Tuy nhiên trước đây, không ít lần khi đến hạn trả ngân hàng, ông phải vay nóng một khoản tiền bên ngoài để thực hiện đáo nợ. Ông cho biết, cây trồng và vật nuôi của nhà ông vẫn không thay đổi nhưng thủ tục vay rất rườm rà, vừa mấy công vừa tốn tiền. Ông Cầu nói: “Đó là điều phấn khởi cho người nông dân chúng tôi trong điều kiện sản xuất giáp vụ. Đáo hạn cà phê, đáo hạn nợ mà đến lúc giá cà nó thấp cũng phải bán đi để trả. Người nông dân rất phấn khởi vì chủ trương này”.

Còn ông Y Brít Niê, Buôn Pal B xã Ea Giêng cho biết: “Trong thời gian vừa qua, gia đình chúng tôi cũng vay ngân hàng nhiều lần. Khi có chính sách ưu đãi, vốn lưu vụ, gia đình chúng tôi rất phấn khởi. Nhà nước đã tạo điều kiện cho chúng tôi vay để đầu tư cho cây cà phê. Hiện nay, gia đình chúng tôi có 3,2 ha cà phê. Sau khi vay vốn chúng tôi chủ động mua phân bón hóa học, phân vi sinh. Hiện nay khi có nguồn vốn này thì bà con trong buôn cũng vay rất nhiều”.

Về phương thức cho vay lưu vụ, ông Đào Hồng Giang, Giám đốc chi nhánh Gribank huyện Krông Pách cho biết: “Việc này phải thuộc vào cán bộ ngân hàng thẩm định. Khi đến vụ thu hoạch nếu thẩm định thấy người dân có khả năng và tiếp tục sản xuất tốt sẽ xử lý từng trường hợp một. Vấn đề hiệu quả hay không hiệu quả, vốn tính dụng có thu hồi được hay không phần lớn là do cán bộ ngân hàng thẩm định trực tiếp. Chúng tôi đã phổ biến đến các xã và để xã họp thôn. Chúng tôi trực tiếp đến với người nông dân từng thôn và cái đó chúng tôi cũng đã triển khai”.

IMG_0699a_XVIR

Ông Trần Đình Chánh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Viêt Nam tại Đắk Lắk

Ông Trần Đình Chánh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Viêt Nam tại Đắk Lắk cho biết: Hiện số dư nợ của Agribank trên địa bàn Đắk Lắk là 10.800 tỷ đồng, với 78.000 hộ vay. Trong đó khoảng 35.000 hộ nông dân vay xấp xỉ 4.000 tỷ đồng để đầu tư chăm sóc cây cà phê.

Chu kỳ của cây cà phê kéo dài hàng chục năm, trong khi kỳ hạn vay vốn chỉ 2 đến 3 năm, nông dân lại phải làm thủ tục gia hạn rất rườm rà. Vì vậy, gói tín dụng lưu vụ là cách làm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân trồng cây công nghiệp. Ông Trần Đình Chánh nói: “Tôi đánh giá phương thức cho vay lưu vụ là một có nhiều ưu việt. Thứ nhất, khách hàng không phải trả gốc khi đến hạn, chỉ phải trả lãi. Chúng ta biết rằng đối với nông dân diện tích canh tác thường ít thay đổi. Chính vì thế khi không phải trả gốc, người nông dân không phải bán ngay sản phẩm của mình khi thu hoạch để trả nợ. Như vậy, người ta có thể chờ để giá lên hợp lý mới bán. Thứ 2, họ không phải đi vay nợ bên ngoài với lãi suất cao để trả nợ khi đến hạn. Việc không phải trả nợ gốc làm cho người nông dân có thêm chủ động để mở rộng sản xuất kinh doanh cũng có thể để sử dụng nguồn vốn đó cho mục đích khác, kể cả tiêu dùng cho gia đình mình. Mặt khác họ không phải vay lại giảm được rất nhiều thủ tục cho nông dân. Đối với ngân hàng cũng giảm rất nhiều thủ tục cho ngân hàng, giảm đối với việc quá tải đối với cán bộ tín dụng. Giảm được quá tải,ì chúng tôi cũng có điều kiện cho vay nhiều hộ nông dân hơn”.

Khi nông dân được được chủ động vay lưu vụ chắc chắn tình trạng bán non sản phẩm, hoặc bán sản phẩm lúc mới thu hoạch với giá thấp sẽ được hạn chế. Người trồng cà phê, hồ tiêu ở Đắk Lắk nay có thêm chỗ dựa vững chắc, họ sẽ có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định đời sống./.

>> Gía cà phê nhanh và chính xác nhất

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn Vov.vn