Người trồng cao su nỗ lực giữ vườn cây

Vài năm trở lại đây, giá mủ cao su xuống thấp kỷ lục khiến người trồng loại cây này tại Đắk Lắk gặp muôn vàn khó khăn.

vovgiaothong_vuon_cao_su_5
Doanh nghiệp và người trồng đang nỗ lực xoay sở, vượt qua khó khăn để giữ vững vườn cao su (Ảnh minh họa)

7h30 sáng, tại vườn cao su 15 hecta của gia đình bà A Mí Sol, xã Ea H’Dinh, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk đã có 6-7 công nhân khai thác mủ cần mẫn làm việc. Giá mủ xuống còn 5.000 – 6.000 đồng/kg, nên sau khi trả công khai thác mủ, tiền gia đình thu được chẳng đáng là bao. Để tiếp tục đầu tư cho vường cao su theo đúng quy trình, như bón phân, phòng bệnh miệng cạo, gia đình phải sử dụng nguồn tiền vay từ ngân hàng.

Nhiều năm thành công với cây cao su, Amí Sol tin tưởng loại cây này sớm muộn sẽ lấy lại vị thế và bà sẽ kiên trì đầu tư, kiên trì chờ đợi: “Cao su có giá thì đời sống của người dân cũng đi lên. Cây cao su cho mình rất nhiều thứ, như xây nhà, mua xe ôtô. Tuy nhiên, mấy năm nay, cao su rớt giá thì đời sống khó khăn, tiền cho công nhân cũng không đủ nữa. Tuy vậy mình vẫn cố gắng đi vay mượn thêm để giữ Cao su, bởi nhà nước đã đưa ra chính sách giữ cây nên dù thế nào mình cũng động viên con cháu giữ cây cho bằng được và chờ giá lên”.

Cũng gắn bó với cây cao su đã nhiều năm, chị H’yi Ayun, buôn Gông, xã Ea Drơng, huyện Cư Mar, không nỡ bỏ nghề công nhân cạo mủ tại Công ty Cao su Đắk Lắk, dù mức thu nhập đã giảm từ hơn 8 triệu đồng/1 tháng, còn khoảng 4 triệu đồng. Để có thu nhập đảm bảo đời sống gia đình, chị và chồng phải tranh thủ đi làm phụ hồ, làm rẫy thuê…

Chị H’Yi chia sẻ: “Hai năm nay, giá mủ xuống thấp nhưng công nhân mình vẫn rất cố gắng làm, sáng sớm mình cố gắng dậy sớm đi làm để làm ăn nuôi con, cho con học hành cho tốt. Hai năm nay, lương rất thấp tháng vừa rồi được 4 triệu rưỡi một công nhân”.

Cùng với nông dân, công nhân, các doanh nghiệp cao su ở Đắk Lắk cũng đang bơi trong dòng nước ngược để giữ công nhân và giữ cây cao su. Như ở Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk, doanh nghiệp cao su lớn nhất của tỉnh, đã phải giảm lương lãnh đạo và cán bộ hành chính xuống còn một nửa so với trước, đồng thời tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, đảm bảo thu nhập và phúc lợi cho công nhân.

Ông Nguyễn Độ, Giám đốc Công ty cao su Dakrukco cho biết: “Chúng tôi phải cố gắng sắp xếp lại sản xuất, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, đảm bảo mức thu nhập của người công nhân. Chúng tôi đã đưa ra nghị quyết duy trì đảm bảo thu nhập bình quân từ 4 triệu/người/tháng, so với mức thu nhập như vậy người công nhân an tâm sản xuất. Về các chế độ chính sách thì chúng tôi đảm bảo tất cả các chính sách cho người lao động, ví dụ chế độ bảo hiểm xã hội, y tế, chế độ bảo hiểm độc hại của người công nhân cao su, chúng tôi vẫn đảm bảo cho người lao động”.

Theo sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắc Lắc, toàn tỉnh có khoảng hơn 40.000 hecta cao su. Trong đó, cao su đại điền chiếm khoảng 30.000 hecta, cao su tiểu điền là hơn 10.000 hecta. Tất cả diện tích này đều nằm trong quy hoạch, sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất tương đối cao. Nếu doanh nghiệp và người dân tiếp tục duy trì và chăm sóc tốt, diện tích này sẽ đem lại giá trị kinh tế lớn về lâu dài.

Nguồn Vovgiaothong.vn