Nhập nhằng việc tiêu hủy ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Lắk

Ngày 3 – 7, Cơ quan Thú y vùng V (Cục Thú y) có Thông báo số 139/TYV5 – TH về kết quả xét nghiệm mẫu gia cầm (vịt) của gia đình ông Nguyễn Đình Quyết, buôn Dhăm 2, xã Đắk Nuê (huyện Lắk) bị dương tính với cúm A/H5N6.

Ngay sau khi nhận được kết quả xét nghiệm từ cơ quan này, Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Lắk đã có Báo cáo số 49/BC-TY ngày 4 – 7 – 2017 về bệnh cúm gia cầm A/H5N6 tại hộ ông Quyết ghi rõ đã thực hiện tiêu hủy toàn bộ số vịt của gia đình, cụ thể 1.800 con vịt. Trên thực tế, đến thời điểm 4 – 7 – 2017 đàn vịt của gia đình ông Quyết chưa bị tiêu hủy (Báo Đắk Lắk số ra ngày 15 – 7 – 2017 có bài “Một bản báo cáo… lạ lùng!” đề cập rõ vấn đề này).

Đến ngày 10 – 7, Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Lắk mới có Tờ trình số 58/Ttr – CNTY về việc tiêu hủy gia cầm bị cúm A/H5N6 tại hộ ông Quyết, trong đó, đề nghị UBND huyện xem xét quyết định tiêu hủy toàn bộ 1.800 con vịt đẻ siêu trứng bị bệnh. Trong khi UBND huyện Lắk chưa ra quyết định tiêu hủy đàn gia cầm bị bệnh thì ngày 24 – 7, Trạm lại tiếp tục có tờ trình số 66/TTr – CNTY đề nghị UBND huyện xem xét quyết định tiêu hủy 900 con vịt của gia đình ông Quyết (Tổng đàn vịt của ông Quyết khoảng 1.800 con, nhưng đến giữa tháng 7 – 2017, sau thời gian phát hiện dịch bệnh hơn 10 ngày ông đã bán một nửa đàn vịt già cho 1 hộ chăn nuôi ở 1 tỉnh miền Tây).

dak-lak-nhap-nhang-viec-tieu-huy-o-dich-cum-gia-cam-tai-huyen-lak

Lực lượng chức năng thu gom gia cầm bị bệnh.

Theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT – BNNPTNT ngày 31 – 5 – 2016 của Bộ NN – PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, gia cầm bị tiêu hủy trong các trường hợp sau: đàn gia cầm phát hiện mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh cúm thể độc lực cao; nuôi thả rông xung quanh mà chưa được tiêm phòng vắc xin cúm và đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao. Việc tiêu hủy gia cầm phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính vi rút cúm A/H5N1, A/H5N6 hoặc chủng vi rút cúm có khả năng truyền lây bệnh và gây tử vong cho người hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận là mắc bệnh cúm gia cầm.

Quy định là thế, song đến ngày 24-7-2017 UBND huyện Lắk mới có Quyết định số 2554/QĐ – UBND về tiêu hủy gia cầm bị bệnh cúm A/H5N6 của hộ ông Quyết. Theo đó, huyện giao UBND xã Đắk Nuê thành lập hội đồng tiêu hủy và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số vịt bị mắc bệnh bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Sau khi tiến hành tiêu hủy xong yêu cầu tổ giám sát, hội đồng tiêu hủy của xã hoàn tất hồ sơ thủ tục để tiến hành chi trả kinh phí cho người trực tiếp tham gia chống dịch theo quy định… Như vậy, đối chiếu với Thông tư 07 thì quyết định này được ban hành quá chậm, tức là sau 21 ngày tính từ ngày có kết quả xét nghiệm đầu tiên trên mẫu gia cầm.

Việc chậm trễ này dẫn tới những hệ lụy không đáng có. Trước hết, khu vực xảy ra dịch bệnh là khu vực dân cư, nhưng huyện hay cơ quan thú y của địa phương cũng không có biện pháp khoanh vùng, tránh tình trạng lây lan; thứ hai, trong khoảng thời gian này, chủ hộ đã bán nửa đàn, có nghĩa đàn vịt bị bệnh đã không được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ, khó tránh khỏi tình trạng bệnh lây lan trên diện rộng do quá trình vận chuyển qua nhiều tỉnh, thành.

Liên quan đến việc xử lý dịch cúm gia cầm kịp thời đã giúp nhiều hộ chăn nuôi giảm được thiệt hại, đồng thời bảo đảm sức khỏe con người, môi trường. Đó là, vào cuối tháng 5 – 2017, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện ổ cúm A/H5N6 trên đàn vịt trời gần 1.000 con của hộ ông Nguyễn Hữu Tuyên tại xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột), sau đó, cơ quan thú y đã kịp thời tiêu hủy toàn bộ đàn vịt và tiến hành phun tiêu độc khử trùng môi trường bằng vôi bột, Benkocid, CloraminB cũng như hướng dẫn người dân cách phòng bệnh cho đàn gia cầm để tránh lây lan dịch bệnh.

Ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk cho biết, việc tham mưu của Trạm Chăn nuôi và thú y huyện là hơi chậm; cùng với đó trong trình bày báo cáo, tham mưu chưa nhấn mạnh được mức độ nguy hiểm của chủng dịch bệnh mới A/H5N6 dẫn tới UBND huyện Lắk chưa kịp thời trong việc ra quyết định tiêu hủy theo quy định. Do vậy, đến thời điểm hiện tại việc tiêu hủy đàn gia cầm bị bệnh gặp nhiều khó khăn và vẫn chưa được thực hiện.