Những bất cập ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

Bệnh viện Đa Khoa vùng Tây Nguyên được khởi công xây dựng từ năm 2010, với đầu tư 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Mới đưa vào sử dụng hơn 1 tháng, nhưng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (đường Trần Quý Cáp, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột- Đắk Lăk) đã lộ ra quá nhiều bất cập, nhiêu khê, nhiều hạng mục phải sửa chữa, vá víu.

Điều đáng nói nữa là: tại công trình hơn nghìn tỷ đồng này, có những hạng mục xây dựng rất bất hợp lý, gây khó khăn cho người sử dụng nhưng không thể khắc phục, sửa chữa được.

Dự án BVĐK Vùng Tây Nguyên có quy mô 800 giường bệnh, tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỉ đồng.

Bệnh viện Đa Khoa vùng Tây Nguyên được khởi công xây dựng từ năm 2010, với đầu tư 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình do Sở Y tế Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Dự kiến năm 2013 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Thế nhưng ì ạch mãi gần 10 năm sau ngày khởi công, đến tháng 2/2019, công trình mới được bàn giao theo kiểu “chìa khóa trao tay” cho Bệnh viên Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Bác sĩ Nguyễn Đại Phong – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, nay là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, khi chuyển về đây, hệ thống điều hòa, điện chiếu sáng, các khu vệ sinh, hệ thống cây xanh, khuôn viên bệnh viện… đều gặp sự cố và đang sửa chữa. Đó là những hạng mục có thể sửa chữa.

Còn nhiều những hạng mục của công trình bất hợp lý, nhưng không thể cải tạo, khắc phục như thang máy kỹ thuật, không đủ chiều dài để vận chuyện giường bệnh. Không có cầu nối thông qua các khoa giữa các tầng của 5 tòa nhà, gây khó khăn trong việc di chuyển bệnh nhân từ khoa này sang khoa khác; Khoa Lây nhiễm không có tường cách ly; Khoa Chống nhiễm khuẩn không đảm bảo cho hoạt động chuyên môn.

Các hạng mục công trình Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thiếu tầm nhìn và xa rời thực tiễn.

Bác sĩ Nguyễn Đại Phong cho rằng, việc chủ đầu tư, cụ thể Sở Y tế Đắk Lắk phê duyệt các hạng mục thiếu tầm nhìn và xa rời thực tiễn, hệ quả là công trình đưa vào sử dụng lộ ra quá nhiều bất cập: “Mặt bằng bệnh viện bị dốc nên vấn đề di chuyển bệnh nhân, di chuyển của y bác sĩ gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, các cầu nối từ khoa này sang khoa khác không có, dẫn đến tình trạng khó di chuyển khi các bác sĩ đi hội chẩn, hoặc bệnh nhân chuyển từ khoa này sang khoa khác”.

Chị Nguyễn Hoài Linh Duyên, điều dưỡng trưởng Khoa Chống nhiễm khuẩn cũng cho biết, có thể thấy ngay bất hợp lý khi Khoa Chống nhiễm khuẩn cách rất xa phòng phẫu thuật. Đường vào khoa này dốc dựng đứng, lại xây dựng ngay trên bể của hệ thống xử lý nước thải.

Chị Linh Duyên chia sẻ, mới đây đã xảy ra một tai nạn là lật xe đẩy khi vận chuyển dụng cụ từ phòng mổ xuống. Trời nắng đã khổ, mùa mưa với quãng đường dài và dốc sẽ khó khăn hơn nhiều, nhất là trong việc đảm bảo các dụng cụ đã triệt khuẩn.

Có quá nhiều bất cập ở công trình nghìn tỷ.

“Nước để khoa đưa vào giặt và máy triệt khuẩn nằm bên hệ thống xử lý nước thải. Chúng tôi lo lắng, không biết nước ấy đưa vào hệ thống máy có đảm bảo hay không? Một bất cập nữa, là khoa được xây dựng ở một vị trí rất thấp so với bệnh viện nên trong quá trình vận chuyển đồ từ các khoa xuống gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều nhân lực và thời gian. Khoa xây dựng rất xa phòng mổ. Vì xa phòng mổ nên công tác đảm bảo các dụng cụ đã triệt khuẩn cho phòng mổ và các khoa cũng không được đảm bảo”- Chị Nguyễn Hoài Linh Duyên chia sẻ thêm.

Khoa Lây nhiễm được xây dựng với quy mô hiện đại, với 250 gường bệnh, gấp hơn 2 lần ở bệnh viện cũ. Tuy nhiên, ở Khoa Lây nhiễm hệ thống cửa kính của phòng bệnh lại bức bí, thiếu không khí để thở, cảm giác rất ngột ngạt.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Lây nhiễm thì bất cập nhất ở đây là đường luồng không có mái che để vận chuyển bệnh nhân từ khoa cấp cứu hay các khoa khác về: “Từ trung tâm đến khoa, nếu gặp thời tiết xấu sẽ rất khó khăn trong vấn đề vận chuyển bệnh nhân. Cần thiết phải có luồng mái che để vận chuyển bệnh nhân qua lại, và phục vụ các công tác hội chẩn, cận lâm sàng khác”.

Từ Trung tâm đến khoa không có mái che, rất khó khăn khi vận chuyển bệnh nhân gặp thời tiết xấu

Bác sĩ Lâm cho rằng, còn một điểm khó khăn nữa trong quá trình sửa chữa là trong lúc làm đề án xây dựng khoa này thì toàn bộ hệ thống tiếp nhận bệnh nhân nặng, toàn bộ hệ thống khu dân sinh để phục vụ cho nhân viên y tế đều nằm ở xa khu trung tâm.

Cùng chia sẻ khó khăn bác sĩ Lâm, Thạc sĩ Trần Xuân Thắng, Trưởng phòng vật tư, thiết bị kỹ thuật của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho rằng, bệnh viện được trang bị hệ thống ô xy hóa lỏng rất hiện đại. Nhưng điều đáng nói bình chứa nhỏ, thiết bị đầu ra không đồng bộ gây khó khăn trong vận hành.

“Trước khi chuyển qua đây, ở bên kia chúng tôi sử dụng gần 300 bộ lấy oxy từ trong tường ra cho bệnh nhân thở. Nhưng ở đây chỉ mới đáp ứng được 1/3 lượng oxy cần dùng. Một số các khoa phòng vẫn phải dùng oxy chai. Trong quá trình sử dụng cũng có nhiều bất cập. Quá trình vận chuyển các bình phức tạp, bất cập, không thể tránh khỏi rủi ro”, bác sĩ Thắng nói.

Một bệnh viện vùng có số vốn đầu tư xây dựng lên đến 1.100 tỷ đồng nhưng khi đưa vào sử dụng mới chỉ 1 tháng đã lại lộ ra quá nhiều hạn chế, bất cập, đã cho thấy việc phê duyệt dự án và thi công có những lỗ hổng, thiếu tầm nhìn, thiếu cả chuyên môn, không chỉ gây bất tiện mà còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn đối với thầy thuốc, nhất là bệnh nhân./.