Nông dân Đắk Lắk ngại tái canh cà phê vì mất giá

Theo kế hoạch, mùa mưa năm nay, các nông hộ Đắk Lắk sẽ trồng tái canh 4.259 ha, nhưng đến nay đã gần hết mùa mưa các hộ chỉ mới trồng tái canh được gần 50% kế hoạch diện tích.

Qua trao đổi với phóng viên, các nông hộ cho biết, hiện nay, giá cà phê nhân giảm xuống sâu chỉ còn từ 32.500 – 32.700 đồng/kg đã khiến các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Đắk Lắk không còn có lãi, thậm chí, vườn cà phê cho năng suất thấp thì lỗ nặng.

Do vậy, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở tỉnh Đắk Lắk đã hạn chế đầu tư, phá bỏ các vườn cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh (từ 20 năm trở lên), nhiễm sâu bệnh hại, cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém để trồng tái canh.

Thu hoạch cà phê tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Gia đình anh Nguyễn Phi Long, ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) có 3 ha cà phê đã 22 năm tuổi và hết chu kỳ kinh doanh, năng suất quá thấp chỉ đạt hơn 1,5 tấn cà phê nhân/ha.

Nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây cà phê của huyện, nên dự định sau khi thu hoạch niên vụ cà phê 2018-2019 này xong, anh Long chặt bỏ toàn bộ diện tích cà phê già cỗi để đầu tư trồng tái canh. Tuy nhiên, thấy giá cà phê xuống thấp quá (thấp hơn giá thành sản xuất) nên sẽ chưa trồng tái canh.

Còn đối với gia đình anh Y Vong Niê, ở xã vùng sâu Cư Pơng (huyện Krông Búk) cũng đã chặt bỏ hơn 1,5 ha cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh dự định trồng tái canh cà phê ngay trong mùa mưa năm nay. Thế nhưng, thấy giá cà phê nhân xuống thấp, gia đình anh Y Vong Niê quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng bơ, sầu riêng do hiện đang có giá cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên…đã hướng dẫn các nông hộ phân loại từng vườn cà phê (độ tuổi, mức độ nhiễm bệnh, cấp bệnh, năng suất của vườn cây….) để lựa chọn các biện pháp kỹ thuật trồng tái canh thích hợp như không thực hiện luân canh, luân canh 1 năm hoặc từ 2 năm trở lên trước khi trồng tái canh cà phê.

Các đơn vị trên cũng hướng dẫn các nông hộ sử dụng các giống cà phê vối mới có năng suất cao, chất lượng nhân tốt, chống chịu bệnh gỉ sắt cao như TR4, TR9, TR11, TR12, TR13… đưa vào trồng tái canh đại trà, đồng thời, kỹ thuật chăm sóc, bón phân hợp lý để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các đơn vị chức năng cũng hướng dẫn các nông hộ chọn các loại cây ăn quả lâu năm như sầu riêng, bơ sáp… trồng xen trong vườn cà phê với mật độ, khoảng cách thích hợp để ít ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cà phê…

Từ năm 2011 đến năm 2017, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở tỉnh Đắk Lắk đã trồng tái canh được 20.541 ha/34.748 ha kế hoạch đến năm 2020.