Nông dân Ea Lai mất ăn mất ngủ vì hồ tiêu chết hàng loạt

Hồ tiêu đang bước vào thu hoạch chính vụ. Tuy nhiên, ở xã Ea Lai (huyện M’Đrắk), tiêu bị bệnh chết hàng loạt, giá tiêu lại giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua khiến hàng trăm hộ dân khốn đốn.

Gia đình ông Trần Bá Tiếp (thôn 6) có 700 trụ hồ tiêu, trong đó 250 trụ năm thứ tư, 450 trụ kinh doanh từ năm thứ năm trở lên. Niên vụ hồ tiêu 2016-2017, gia đình ông Tiếp thu được 2 tấn tiêu khô, bán với giá 70.000 đồng/kg, gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Tuy nhiên, từ tháng 2 vừa qua, vườn tiêu của gia đình ông Tiếp bắt đầu có hiện tượng chết hàng loạt. Bệnh lây lan rất nhanh, có trụ tiêu chết nhanh chỉ trong vòng 3 ngày, chậm thì không quá 2 tuần. Hiện nay, 300 trụ tiêu trong vườn ông Tiếp đã héo rũ, lá đổ kín chân trụ, gốc rễ thối mục không thể cứu chữa, các trụ còn lại bắt đầu vàng úa, thiếu sức sống. Nếu như thời điểm này năm ngoái, vườn tiêu đang cho thu hoạch rầm rộ thì năm nay, ông mới chỉ thu hoạch chưa đến 5 tạ tiêu hạt; cây bệnh, năng suất thấp, giá bán thấp, thu không đủ chi phí khiến cả gia đình ông Tiếp đứng ngồi không yên.

Vườn tiêu xanh tốt của gia đình ông Trần Bá Tiếp (thôn 6) mới chớm bệnh nhưng đã lây lan rất nhanh.

Tại gia đình anh Đoàn Thủy (thôn 8), vườn tiêu khô cháy, chỉ còn những trụ bê tông trơ trọi khiến ai cũng xót xa. Nhắc đến vườn tiêu, anh Thủy lại rưng rưng muốn khóc bởi chưa bao giờ anh nghĩ đến một kết quả đau xót như thế! Gia đình anh có 1.500 gốc hồ tiêu trên diện tích gần 1,7 ha. Cách đây 4 năm, khi tiêu có giá cao – là niềm hy vọng đổi đời cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã, gia đình anh Thủy cũng vay mượn ngân hàng, anh em đầu tư trên 1,5 tỷ đồng trồng hồ tiêu. Cuối năm 2017, vườn tiêu hứng chịu đợt mưa bão nặng nề, bắt đầu chết dần và đến nay thì chết trắng vườn. Sau bao năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ngày đêm ăn ngủ giữa vườn tiêu với mong muốn cải thiện cuộc sống, nhưng đến nay gia đình anh Thủy lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, phải lo từng bữa ăn qua ngày. Vườn hồ tiêu đã chết trơ trụ bê tông mà không có tiền phá bỏ để trồng cây khác.

Không riêng gia đình ông Tiếp, anh Thủy mà hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn xã Ea Lai cũng lâm vào cảnh tương tự. Theo tính toán của người dân, mỗi héc-ta hồ tiêu đầu tư trồng mới khoảng 400 triệu đồng; đầu tư chăm sóc trong 3 năm đầu mỗi năm 100 triệu đồng, đến năm thứ tư mới bắt đầu cho thu hoạch để thu hồi vốn. Thế nhưng, hầu hết diện tích hồ tiêu bị chết là hồ tiêu kinh doanh và bắt đầu cho thu hoạch, điều này đồng nghĩa với việc người dân chưa kịp thu hồi vốn thì đã mất trắng, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, không có khả năng trả lãi.

Nhiều vườn tiêu ở thôn 8 chết hàng loạt trong sự bất lực của người nông dân.

Theo ông Võ Đức Nhân, Chủ tịch UBND xã Ea Lai cho biết, tiêu chết đang ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân tại địa phương. Thống kê đến cuối tháng 3, xã Ea Lai đã có 58,6 ha hồ tiêu bị chết, chiếm 13,5% diện tích toàn xã; tập trung chủ yếu tại thôn 4 với 16 ha, thôn 6: 7,8 ha, thôn 8: 6 ha, các thôn còn lại từ 2 – 5 ha. Hầu hết diện tích tiêu còn lại cũng bị ảnh hưởng bệnh, giảm năng suất. Điều đáng lo ngại hơn là con số này đang tăng lên từng ngày bởi diễn biến bệnh khó lường và lây lan rất nhanh. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tình hình thời tiết biến đổi phức tạp, mưa kéo dài từ cuối năm 2017, cùng với thiệt hại từ cơn bão số 12 đã làm các trụ tiêu bị lỏng gốc, ngập úng, mất sức đề kháng, bị các loại nấm bệnh tấn công. Bên cạnh đó, một số người trồng chưa áp dụng đúng các biện pháp khoa học kỹ thuật, thâm canh quá mức, sử dụng các loại phân bón hóa học quá liều, không cân đối tỷ lệ và canh tác ở những diện tích không phù hợp, địa hình trũng không theo quy hoạch.