Nông sản Việt lên đỉnh

Trong bối cảnh chung nền kinh tế nước nhà còn nhiều khó khăn, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực trụ cột với nhiều thành tựu lớn. Trong đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm qua vẫn tăng trưởng mạnh, với nhiều mặt hàng lập đỉnh mới.

Hồ tiêu chiếm 50% thị trường thế giới

Ngành hồ tiêu năm nay tiếp tục gây ấn tượng khi có số lượng và giá trị xuất khẩu tăng mạnh. Theo Tổng cục Hải quan, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2014 đạt 151.000 tấn với giá trị 1,162 tỷ USD, tăng 18% về khối lượng và 35,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Dự đoán cả năm 2014 Việt Nam (VN) xuất khẩu đạt 155.000 tấn và giá trị đạt 1,2 tỷ USD (năm 2013 chỉ đạt gần 900 triệu USD). Giá tiêu xuất khẩu bình quân năm 2014 đạt 7.742 USD/tấn, tăng 1.058 USD/tấn so với năm 2013. Đây là con số cao nhất cả về khối lượng, giá trị và đơn giá xuất khẩu trong lịch sử ngành hồ tiêu VN.

KJACt1_CSVD.jpg.ashx

Hồ tiêu VN đang chiếm 30% sản lượng hồ tiêu toàn cầu và hơn 50% lượng hồ tiêu giao dịch thị trường thế giới. Hồ tiêu VN đã hiện diện trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện hầu như các công ty kinh doanh hồ tiêu lớn trên thế giới đều có văn phòng đại diện tại VN. Hiệp hội Hồ tiêu thế giới còn dự định chuyển văn phòng của Hiệp hội từ Ấn Độ về VN trong năm tới.

Đặc biệt nông dân VN có năng suất sản xuất tiêu thuộc hàng cao nhất thế giới. Trong khi năng suất trồng tiêu bình quân của thế giới chỉ khoảng 1 – 1,5 tấn/ha thì của nông dân Việt Nam là 2,3 – 2,5 tấn/ha, trong đó có khá nhiều vùng năng suất lên đến 5 – 6 tấn/ha, thậm chí 8 – 10 tấn/ha.

Cà phê, hạt điều tăng trưởng mạnh

ZRAYt5_SJJH.jpg.ashx

Những ngành khác như cà phê, hạt điều cũng có sự tăng trưởng tốt. Mặc dù có nhiều biến động về giá nhưng khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm ước đạt 1,56 triệu tấn và 3,26 tỷ USD, tăng hơn 33% về khối lượng và 32% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Riêng hạt điều, khối lượng xuất khẩu 11 tháng đạt 281.000 tấn với 1,84 tỷ USD, tăng 18,2% về khối lượng và 22,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Cả năm ước đạt trên 2 tỷ USD.

Thủy sản vượt khó ngoạn mục

Với biết bao nhiêu rào cản từ các nước, từ áp đủ loại thuế rồi rào cản kỹ thuật, đến dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng cao nhưng ngành thủy sản năm nay đã lèo lái con thuyền của mình vượt qua sóng gió khá tốt.

CGTAt2_JGGU.jpg.ashx

Theo số liệu thống kê của Bộ NNPTNT, xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm đạt 7,22 tỷ USD. Còn theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong cả năm 2014, thủy sản sẽ xuất khẩu được 7,8 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2013.

Trong đó, mặt hàng tôm chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với 3,9 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2013. Các thị trường trọng điểm của thủy sản Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc… đều tăng trưởng mạnh. Chẳng hạn, xuất khẩu tôm sang EU tăng 88%, Mỹ tăng 51%, Hàn Quốc, Canada tăng 45%…

Riêng với cá tra và cá basa dù đang đối mặt với những rào cản về kỹ thuật cũng như về thuế ở những thị trường lớn như Mỹ và EU, nhưng xuất khẩu vẫn ổn định đạt hơn 1,72 tỷ USD và chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu.

Rau quả xuất khẩu tăng 40%

AFYHt3_NZYD.jpg.ashx

Năm 2014, ngành rau tiếp tục đạt sự tăng trưởng xuất khẩu tốt khi mà chỉ trong 10 tháng đầu năm đã đạt chỉ tiêu mà Bộ Công Thương đề ra (đạt 1,25 tỷ USD). Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) ước tính, xuất khẩu cả năm 2014 sẽ vượt qua mức 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 40% so với năm 2013. Vinafruit đánh giá, sở dĩ ngành rau quả có sự tăng trưởng tốt như thế là do năm nay chúng ta mở cửa được nhiều thị trường, trong đó có thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, New Zealand,… Doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư nhà máy chế biến và xử lý rau quả, trang trại, nhà lưới, kho đóng gói, kho lạnh…

Đặc biệt, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ngành rau quả đã được đẩy mạnh trồng theo VietGAP, GlobalGAP. Theo Cục Bảo vệ thực vật, có rất ít mặt hàng xuất khẩu rau quả bị khiếu nại. 5 mặt hàng rau trước đây bị EU cấm nay được xuất trở lại bình thường.

Nông dân trồng tiêu nắm giá cả thị trường

FIPXt4_AKYF.jpg.ashx

Không chỉ giỏi về sản xuất, nông dân Việt Nam giờ còn giỏi về điều phối giá cả thị trường. “Trong gần 10 năm qua, nông dân trồng tiêu Việt Nam đã làm chủ hàng hóa của mình, biết điều tiết lượng tiêu bán ra trong từng thời điểm khi cung cầu giá cả có lợi nhất, vì thế đã hạn chế tình trạng lũng đoạn của các nhà đầu cơ. Đây là ngành duy nhất mà nông dân mới chính là người nắm giá cả thị trường chứ không phải doanh nghiệp. Nhờ đó thu nhập và lợi nhuận của bà con trồng tiêu ngày càng cao, năm sau cao hơn năm trước. Không chỉ sống được với nghề mà còn làm giàu”– ông Đỗ Hà Nam- Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khẳng định.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn Danviet.vn