Phát triển đô thị bền vững để ứng phó với biển đổi khí hậu

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất của người dân và phát triển kinh tế – xã hội của Đắk Lắk. Thực trạng đó đặt ra cho các ngành chức năng tỉnh trong quy hoạch, phát triển đô thị hiện nay phải có tầm nhìn và biện pháp tích cực để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Thực hiện Quyết định số 2623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020”, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, lấy ý kiến các sở, ngành tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch, giải pháp tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị bền vững, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ. Theo đó, phải đáp ứng yêu cầu phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời bảo đảm yêu cầu ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Theo Sở Xây dựng, để xây dựng đô thị bảo đảm khả năng thích ứng với biến đối khí hậu, cần có sự khảo sát, đánh giá toàn diện về tác động của nó đến các khu đô thị và điểm dân cư nông thôn tại hai địa phương trên đối với các vấn đề ngập lụt, sạt lở gia tăng do lũ quét; nhiệt độ tăng; ô nhiễm gia tăng do ngập lụt; đe dọa chất lượng nguồn nước cấp. Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị bền vững, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu nhằm khắc phục và hạn chế thấp nhất khả năng tổn thương đối với khu vực đô thị, điểm dân cư nông thôn và khu, cụm công nghiệp khi cải tạo và xây dựng mới như: cốt nền của các đô thị chưa thích ứng; thiếu không gian xanh; hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải còn thiếu hoặc chưa thích ứng; tình trạng sạt lở bờ sông, suối diễn ra. Cùng với đó là thực hiện việc quản lý theo QCVN 09:2013/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Các tòa nhà xây dựng mới hoặc cải tạo trong phạm vi điều chỉnh của QCVN 09:2013/BXD phải tuân thủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong các hoạt động của ngành, đặc biệt trong sản xuất vật liệu xây dựng; đẩy mạnh phát triển công trình xanh, đô thị xanh, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

1471660428-4927-mages1164773-20160812-133629

Thi công lắp đặt đấu nối hệ thống nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Trước áp lực đô thị hóa, để thực hiện tốt công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả việc quản lý không gian xây dựng công trình ngầm, xử lý chất thải rắn, cấp, thoát nước… Hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đang ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, điều kiện sống của người dân đô thị cũng như đã khẳng định được vị trí động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, dù đã được ưu tiên tập trung nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhưng trong đó đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, việc thu hút các nguồn lực từ bên ngoài thông qua các nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển đô thị còn nhiều hạn chế, nhất là các đô thị vừa và nhỏ (loại IV, V), đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển đô thị. Để phát triển bền vững, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ địa phương xây dựng đề cương, kế hoạch triển khai Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 8-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009 – 2020. Trong đó, tạo điều kiện cho các địa phương khu vực miền núi, Tây Nguyên tiếp cận các dự án cải thiện môi trường đô thị từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là từ nguồn vốn ODA trong các lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị. Đồng thời, hỗ trợ và hướng dẫn tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu và Atlas đô thị, khí hậu theo Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, 100% đô thị trong tỉnh đều được lập quy hoạch chung xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt; mức độ phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đạt 81,4%, trong đó, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đạt 44%, đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý xây dựng, làm cơ sở phát triển đô thị bền vững.

Nguồn Baodaklak.vn