Sông Krông Ana “biến dạng” vì hoạt động khai thác cát

Đoạn sông Krông Ana đã bị “biến dạng” hoàn toàn với hàng chục hố cát sâu hoắm xoáy vào bờ, hàng chục điểm sạt lở kéo dài hơn 200m.

Vào năm 2017, người dân tại xã Đắk Liêng (huyện Lắk) liên tục phản ánh về việc họ bị mất đất sản xuất do HTX Giang Sơn khai thác cát bừa bãi, hút cát sát bờ gây sạt lở trầm trọng.

Một đoạn sông bị sạt, lấn sâu vào đất sản xuất của người dân trên địa phận HTX Giang Sơn từng được cấp phép khai thác (ảnh tư liệu)

Sau khi Infonet đăng tải loạt bài phản ánh vào tháng 5/2017 về những vi phạm trong quá trình khai thác cát của HTX Giang Sơn, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị UBND huyện Lắk chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và UBND xã Đắk Liêng tổ chức phối hợp, kiểm tra theo nội dung báo chí phản ánh. Nếu HTX Giang Sơn còn tiếp tục vi phạm tình trạng khai thác cát thì phải chịu trách nhiệm và sẽ bị thu hồi giấy phép.

Tuy nhiên, HTX Giang Sơn vẫn tiếp tục để xảy ra vi phạm trong quá trình khai thác cát. Để xử lý những vi phạm nói trên, vào tháng 10/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định thu hồi giấy phép khai thác cát của HTX này.

Đoạn sông bị “biến dạng” vì sạt lở quá nhiều điểm

Sau khi HTX Giang Sơn bị rút giấy phép khai thác cát, sông Krông Ana đoạn từ cầu Giang Sơn đến đầu buôn Mliêng đã yên bình trở lại. Thế nhưng, đoạn sông này đã bị “biến dạng” hoàn toàn với hàng chục hố cát sâu hoắm xoáy vào bờ, hàng chục điểm sạt lở kéo dài hơn 200m.

Những hố cát sâu hoắm xoáy sâu vào bờ

Chính vì vậy, ngày 12/9/2018, ông Y Giang Gry-Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký văn bản đề nghị Sở TN&MT cùng UBND các huyện Lắk, Cư Kuin, Krông Ana, Krông Bông chưa xem xét, giải quyết việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản tại khu vực cầu Giang Sơn.

Việc Công ty CP Đoàn Chính Nghĩa dựa vào sổ sách ghi chép của HTX Giang Sơn, tổng hợp số liệu đánh giá trữ lượng từ năm 2011 để trình lên Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk xin cấp phép khai thác cát là không hợp lý.

Trong khi phía Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk chưa cử cán bộ đi khảo sát, đánh giá lại thực trạng sạt lở mà vội trình sang UBND tỉnh xin chủ trương cấp phép khai thác cát cho Công ty Đoàn Chính Nghĩa có phần hơi vội vàng, nôn nóng.

Theo ông Nguyễn Văn Thiềm-Trưởng Phòng quản lý Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk), việc đánh giá tình trạng sạt lở dọc bờ sông Sở chưa thực hiện. Tuy nhiên, bờ sông sạt lở do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do lũ vào mùa mưa chứ không hẳn là do khai thác cát.

Ngoài vi phạm khai thác cát, gây sạt lở, HTX Giang Sơn còn chây ì trong việc nộp thuế

Cũng theo ông Thiềm, hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 17 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác cát. Tuy nhiên, phía Sở đang siết chặt công tác quản lý và đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk đình chỉ 7-8 doanh nghiệp vì có một số vi phạm trong quá trình hoạt động.

Về vấn đề cung vượt quá cầu trong lĩnh vực cát xây dựng trên địa bàn, ông Thiềm cho rằng, theo các số liệu tổng hợp mà phía Sở TN&MT có được, nhu cầu cát xây dựng hàng năm của bà con tại tỉnh Đắk Lắk khoảng 1,200 triệu m3 cát. Trong khi đó, tổng hợp số liệu báo cáo của các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn chỉ khoảng 700m3 cát. Như vậy, nói việc cung vượt quá cầu trong lĩnh vực cát thì không đúng về mặt lý thuyết.

Ngược lại ý kiến của ông Thiềm, một số chủ doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho hay, hiện có quá nhiều đơn vị được cấp phép khai thác cát. Do đó, nguồn cung ngày càng cao, vượt quá nhu cầu cát xây dựng của người dân trên địa bàn.

“Hiện nhiều doanh nghiệp khai thác cát phải hoạt động cầm chừng để khắc phục khó khăn trước mắt, tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Nếu chính quyền tiếp tục cấp thêm giấy phép khai thác cát cho doanh nghiệp khác, những doanh nghiệp hiện tại và doanh nghiệp mới sẽ cùng gặp khó ”, một chủ doanh nghiệp khai thác cát chia sẻ.

Xem clip tàu cát hút sát bờ, gây sạt lở và cảnh hoang tàn trên sông Krông Ana đoạn từng cấp phép cho HTX Giang Sơn