“Sốt“ đất ở TP. Buôn Ma Thuột: Thực hay ảo?

Từ đầu năm 2018, thị trường bất động sản ở TP. Buôn Ma Thuột, nhất là khu vực ngoại thành tăng trưởng “nóng”, tạo ra những cơn “sốt” giá. Việc giá bất động sản có những biến động bất thường theo chiều hướng ngày càng tăng cao đang khiến thị trường này tiềm ẩn nguy cơ “bong bóng”…

Từ giới thiệu của người quen, vào đầu tháng 5, chị N.A (tổ dân phố 9, phường Tân An) đến xem một lô đất trên đường trục buôn Ea Nao B với giá 70 triệu đồng/m theo chiều ngang. Dù đã tạm bằng lòng, nhưng chị vẫn muốn tham khảo thêm một số vị trí khác nên chưa đặt cọc. Thế nhưng chỉ khoảng 10 ngày sau, khi đã quyết định mua đất, chị liên hệ lại thì chủ đất đã tăng giá lên 80 triệu đồng/m.

Tại khu vực dọc tuyến đường tránh Quốc lộ 26 – Quốc lộ 14, giá đất còn có mức biến động cao hơn nữa. Điển hình như khu vực gần UBND xã Ea Tu, các chủ đất đang rao giá 100 – 120 triệu đồng/m theo chiều ngang. Những người xung quanh cho biết, cuối năm 2017, mảnh đất này chỉ có giá khoảng một nửa so với giá hiện nay.

Không chỉ riêng đất ở, nhiều mảnh đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng tại khu vực này cũng được ra giá từ 60–70 triệu đồng/m theo chiều ngang. Nếu so với cùng thời điểm năm 2017, giá đất nông nghiệp cũng tăng “phi mã” 1,5-2 lần.

sot-dat-o-tp-buon-ma-thuot-thuc-hay-ao

Dự án Thành phố Cà phê được Tập đoàn Trung Nguyên đẩy nhanh tiến độ xây dựng cũng thúc đẩy thị trường bất động sản khu vực lân cận tăng cao.

Còn dạo quanh khu vực xã Cư Êbur, gần như chỗ nào còn đất trống đều có biển rao bán đất. Liên lạc với số điện thoại đề trên tấm biển thì người mua gần như không gặp được chủ đất mà chủ yếu là môi giới. Khi muốn hỏi mua diện tích đất có đề biển bán thì người mua nhận được câu trả lời là diện tích đất đó đã có người mua, và được giới thiệu sang một thửa đất khác, giá cũng tăng từng ngày.

Xung quanh khu vực đường A4, A5, A7 (xã Cư Êbur), nếu đầu năm 2018 cò đất hét giá khoảng 70-90 triệu đồng/m theo chiều ngang, thì mới đây tăng lên 160-180 triệu đồng/m! Đáng chú ý là hiện có nhiều người mua đất không phải để ở mà là để đầu cơ, chỉ chờ lên giá là bán sang tay.

Theo phân tích của một số người trong giới kinh doanh bất động sản, hai khu vực hiện có biến động nhiều về giá hiện nay tại TP. Buôn Ma Thuột là khu vực xã Ea Tu và xã Cư Êbur. Giá đất khu vực Cư Êbur, nhất là ở các trục đường A tăng khá cao do gần vị trí Khu đô thị Cà phê Buôn Ma Thuột đang được Tập đoàn Trung Nguyên đầu tư xây dựng.

Còn tại xã Ea Tu, giá đất tăng cao là do tin đồn về một số dự án bệnh viện, trường đại học trong tương lai và tuyến đường tránh Quốc lộ 26 – Quốc lộ 14 sắp được khởi công nâng cấp mở rộng. Ngoài hai khu vực kể trên, các vùng “sốt đất” những năm trước như khu vực đường Y Moan, 19-5, Trần Quý Cáp… biến động không lớn.

sot-dat-o-tp-buon-ma-thuot-thuc-hay-ao

Hoạt động xây dựng ở khu vực phường Tân Lợi.

Nguyên nhân khiến cho giá đất ở TP. Buôn Ma Thuột, nhất là các vùng ven có biến động do địa phương đã siết chặt quản lý trật tự xây dựng, xử lý kiên quyết tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Một số vùng thuộc quy hoạch đất ở đã có mật độ xây dựng cao, không còn nhiều đất trống. Người mua đất hiện nay cũng đã quan tâm đến giá trị pháp lý, phạm vi quy hoạch đất đai nên cũng không mấy mặn mà với đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích.

Do đó, cơn “sốt đất” đã dịch chuyển về những vùng có quy hoạch đất ở, nhất là khu vực được cho là sắp khởi công một dự án đường sá, trường học mới… Tuy nhiên, nhu cầu thực tế không nhiều, nguyên nhân khiến cho giá đất “sốt ảo” là do một số đơn vị kinh doanh bất động sản đang dùng chiêu thức dựng “hiện trường giả” cảnh giao dịch nhà đất nhộn nhịp để làm “mồi” nhử khách hàng. Hơn nữa, do giá đất tại khu vực này rẻ hơn các khu vực khác, hạ tầng kỳ vọng sẽ được nâng cấp có thể kích giá đất tăng lên nên dễ dàng trở thành tâm điểm của những cơn sốt đất.

Thêm vào đó, hiện tượng bùng nổ những tín hiệu lạc quan, lợi nhuận đột biến từ thông tin thiếu kiểm chứng của các “cò” bất động sản đã hình thành tâm lý đám đông, tạo nên những cơn “sốt” ảo, khiến giá đất tăng ảo.

“Sốt” đất ảo không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường khi “bong bóng” bị thổi phồng mà còn ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng do dòng tiền vay mua đất có nguy cơ dễ dàng trở thành nợ xấu.

Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước phải thông tin minh bạch hơn về quy hoạch, tình hình thị trường nhà, đất để hạ những “cơn sốt” cục bộ do giới đầu cơ “bày binh bố trận” ở một số khu vực, làm lành mạnh hóa thị trường, đồng thời tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.