Tái canh cây cà phê, cần sự tham gia của doanh nghiệp

Phát triển ồ ạt, chỉ chú trọng năng suất, thiếu quan tâm tới chất lượng, trong khi diện tích cà phê già cỗi ngày một tăng… là những thách thức đe dọa trực tiếp ngành cà phê. Hơn lúc nào hết, việc tái canh cà phê phải được chú trọng nhằm tạo sự phát triển bền vững. Về vấn đề này, TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông -lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết:

IMG_3934

cà phê là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, nhất là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Sau nhiều năm khai thác, cây cà phê ngày một già cỗi, khiến năng suất và chất lượng quả giảm. Diện tích tái canh cà phê trên cả nước trong 10 năm tới sẽ là 137.000ha, chiếm 27,4% tổng diện tích cà phê, trong đó Tây Nguyên có tới trên 100.000ha cà phê già cỗi, năng suất thấp.

Năng suất đứng đầu thế giới trong khi giá đang ở mức cao, vì sao chúng ta lại đề cập tới vấn đề tái canh cà phê vào lúc này, thưa ông?

Đúng là năng suất cà phê của nước ta hiện được đánh giá là cao trên thế giới, tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt, không chú trọng tới chất lượng sẽ khiến giá trị của cây giảm hẳn.

Thực tế, nếu như năm 1980, cả nước chỉ có 22.500ha cà phê, năng suất 0,78 tấn/ha, sản lượng 8.400 tấn thì đến năm 1990, diện tích đã tăng lên 119.000ha, năng suất 1,4 tấn/ha, sản lượng 92.000 tấn. Hiện nay, cả nước có trên 525.000ha cà phê, trong đó 90% diện tích tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên với năng suất bình quân 1,8-2 tấn/ha, sản lượng 1 triệu tấn/năm. Quy hoạch của ngành cà phê đến năm 2020 ổn định ở mức 500.000ha, giảm 25.000ha so với hiện nay, áp dụng các biện pháp thâm canh để tăng năng suất.

Chặt bỏ cây cũ để trồng mới sẽ mất nhiều thời gian, điều này sẽ không thuyết phục được nông dân. Xin ông cho biết, làm thế nào để vừa có thể tái canh cà phê, vừa đảm bảo thu nhập cho nông dân?

Không phải cứ tái canh là phải nhổ bỏ hoàn toàn cây cũ. Nếu trồng bằng hạt thì tỷ lệ cây không cho thu hoạch sẽ lên tới 15-20%, còn nếu nhổ cây cũ trồng lại và chăm sóc thì chi phí rất lớn. Vì thế, thời gian qua, chúng tôi đã đưa ra giải pháp ghép chồi giống mới lên những gốc cây cà phê già cỗi. Nếu như cà phê trồng mới phải mất 3 năm mới cho thu hoạch thì áp dụng phương pháp ghép chồi, năm thứ hai đã cho năng suất hơn 1 tấn/ha và từ năm thứ ba trở đi đạt 2-3 tấn/ha. Hơn nữa, cây cà phê bình thường thu 15kg quả, cây cà phê xấu chỉ thu được 5 kg. Riêng với cây cà phê ghép chồi giống mới cho thu hoạch 20kg.

Với quy trình ghép chồi như ông nói liệu nông dân có thể thực hiện được không?

Thực tế là đã có một số mô hình tái canh thành công khi áp dụng triệt để quy trình khai hoang, thu gom rễ và luân canh từ 2 – 4 năm sau đó mới trồng lại. Những diện tích tái canh này, cây đều sinh trưởng, phát triển bình thường, cho năng suất bình quân 2,5-3 tấn nhân/ha.

Thời gian qua, Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên đã hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật trồng âm, khi trồng mới, phần cổ rễ của cây con được đặt thấp hơn mặt đất 10 – 15cm, bước vào mùa khô thì tiến hành đào bồn để hạn chế sự tổn thương của bộ rễ và cho phép sử dụng hiệu quả kỹ thuật tưới gốc.

Việt Nam cũng là nước duy nhất trên thế giới sử dụng phổ biến kỹ thuật tưới gốc cho cà phê. Cạnh mỗi gốc cà phê, bà con thường tạo một chiếc bồn diện tích 4m2, dự trữ được hơn 1.000 lít nước. Mỗi khi vào mùa mưa, nước mưa sẽ chảy và trữ ở trong các bồn này, nhờ vậy mà nước mưa không làm trôi đất, chống được xói mòn. Đồng thời trữ được nước tưới cho cây trong mùa khô.

Để thực hiện việc tái canh diện tích cà phê lớn như vậy, nếu một mình nông dân làm thì sẽ khó thành hiện thực, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đa phần cuộc sống của nông dân các tỉnh Tây Nguyên phụ thuộc vào cà phê, vì vậy để có thể tái canh được số diện tích lớn nói trên nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong ngành cà phê, ít nhất trong 2 năm đầu. Nếu không có sự hỗ trợ kinh phí, nhiều khả năng người dân sẽ chuyển sang trồng các loại cây khác như ngô, sắn.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cho phép Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai dự án nhân chồi cây cà phê, nhưng Nhà nước chỉ hỗ trợ 50% kinh phí. Viện mong muốn các doanh nghiệp lớn cùng tham gia đầu tư vườn nhân chồi cây cà phê, mỗi hecta cần đầu tư vốn 1 tỷ đồng, doanh nghiệp hoặc tư nhân tham gia sẽ được hỗ trợ 50%.

Mặc dù chúng tôi đã kêu gọi nhưng các doanh nghiệp và tư nhân đều không muốn làm, vì thời điểm này nhu cầu mua cây giống thấp, chồi sản xuất ra khó bán. Đến nay, chúng tôi mới liên kết nhân giống được 4,5ha ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng.

Ông có kiến nghị gì để việc tái canh cây cà phê đạt hiệu quả?

Hiện, giá cà phê đang khá cao (trên dưới 50.000 đồng/kg) nên năng suất cà phê dù thấp đến mức chỉ 1 tấn/ha thì nông dân vẫn có lãi. Vì vậy, bà con chưa muốn chặt bỏ cây già để tái canh.

Chúng tôi lo rằng, khi giá cà phê xuống dưới 20.000 đồng/kg, lúc đó nông dân ồ ạt chặt bỏ cây cà phê cũ để trồng mới, hoặc ghép chồi mới. Như vậy sẽ gây áp lực thiếu giống.

Các tỉnh Tây Nguyên cần quan tâm phát triển vườn nhân chồi giống để kịp thời phục vụ nông dân khi họ có nhu cầu. Một số diện tích cà phê già cỗi được trồng ở những địa điểm không thuận lợi cần được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế hơn như cao su, ca cao, mắc – ca…

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Kinh tế nông thôn